26 mai 2014

Xung đột biển Đông: Cơ hội để người trẻ đánh thức Việt Nam ngủ quên

Theo Book Hunter

Book Hunter: Sau những bài viết về “Việt Nam trỗi dậy” của Book Hunter, Tuần Việt Nam đã có một bài phỏng vấn Admin Hà Thủy Nguyên về thái độ cần xác lập ở người Việt trẻ: Xung đột biển Đông sẽ “đánh thức một Việt Nam ngủ quên” 
Book Hunter xin phép được đăng lại toàn bộ bài trả lời phỏng vấn chưa qua biên tập của Tuần Việt Nam để các bạn nắm rõ hơn quan điểm của Book Hunter mà Admin Hà Thủy Nguyên chỉ đóng vai trò phát ngôn viên.

——–
Trong những ngày qua, sự kiện dàn khoan 981 đã gây xôn xao dư luận cả nước với nhiều luồng thông tin trái chiều, thật giả lẫn lộn, khiến cho nhiều bạn trẻ hoang mang, mất phương hướng hoặc dễ dàng bị kích động lôi kéo.
Phóng viên đã có cuộc gặp với Nhà văn Hà Thủy Nguyên, Founder của Book Hunter Club, một cộng đồng tri thức trẻ có uy tín trên Internet hiện nay để trò chuyện về vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ với tình hình biến động của tổ quốc.
PV:  Chào chị, mới đây trên Book hunter club có đăng tải “Lời kêu gọi  Việt Nam trỗi dậy” của chị. Như chị nói, đây là lời kêu gọi “với tư cách của một người Việt Nam trẻ tuổi đứng trước nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông”. Trong lời kêu gọi ấy, chị có nhấn mạnh một chi tiết “đã đến lúc chúng ta cần làm điều gì đó hơn là biểu lộ”. Chị có thể nói rõ hơn điều này được không?
HTN: Thực ra “Lời kêu gọi Việt Nam trỗi dậy” không phải là của tôi, nó được viết dựa trên ý tưởng và phương hướng hoạt động của Book Hunter đã đề ra từ khi mới thành lập, đó là truyền cảm hứng xây dựng đất nước bằng kiến thức, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành và lương tâm đối với xã hội đến với các bạn trẻ. Tuy nhiên, trước sự kiện dàn khoan 981, các bạn trẻ có vẻ thờ ơ với điều này. Nhưng khi đất nước đứng trước mối đe dọa lớn, các bạn lại có vẻ đồng cảm hơn với những gì Book Hunter và nhiều cộng đồng tri thức khác đang có ở Việt Nam như Nhà xuất bản Tri Thức, Câu lạc bộ Minh Triết, Mạng lưới học giả Việt Nam, Reading  Circle, Nhóm hành động sách hóa nông thôn, Wegreen… đã và đang làm. Điều mà tôi thấy rất vui đó là không chỉ các bạn trẻ, mà nhiều người lớn tuổi, các bác trí thức, thậm chí những người đối lập cũng hưởng ứng lời kêu gọi. Trong nhiều năm qua, nước ta không bị đặt vào tình thế đầy áp lực như hiện nay, và với áp lực bây giờ, rõ ràng ai cũng thấy rằng biểu lộ là không đủ, mà phải biến sự biểu lộ đó thành hành động, hành động không đủ mà còn phải hành động hiệu quả, sao cho Việt Nam không bị rơi vào nguy cơ chiến tranh cũng như trong tương lai sẽ không một cường quốc nào chèn ép nước ta được nữa.
PV: Đó quả là điều bất cứ người dân nào cũng mong muốn, nhưng đó là chuyện lâu dài, vấn đề chúng ta cần làm ngay là cách hành xử trước mắt. Có vẻ như chị và Book Hunter đã lựa chọn được cho mình một cách hành xử, vậy chị nghĩ sao về cách hành xử của những người cùng thế hệ hoặc trẻ hơn mình?
HTN: Bản thân tôi cũng là một người trẻ tuổi và cũng đang phải mày mò tìm đường, đúng sai không nên đem ra phán xét ở đây. Có một câu đùa mà bạn bè tôi hay nói với nhau, đó là “Hãy yêu nước theo cách của bạn”. Có lẽ trước khi hành xử với Trung Quốc ra sao, chúng ta phải học cách hành xử đó là tôn trọng “cách yêu nước” của người khác. Mỗi người, với các đặc tính khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, tình thế khác nhau sẽ yêu nước theo cách của họ. Khi bạn hỏi câu này, chắc bạn có ngầm ẩn ý đến việc nhiều bạn trẻ tỏ ra kích động, xuống đường biểu tình, thậm chí sẵn sàng nhập ngũ lên đường ra trận. Đó là một điều tốt, chứng tỏ rằng các bạn trẻ vẫn còn rất quan tâm đến đất nước, không giống như những gì mà những thế hệ trước vẫn lo ngại.
PV: Vậy chị thấy hiện nay đang có những cách hành xử như thế nào của các bạn trẻ trước biến động này?
HTN: Nói đến giới trẻ thì rất rộng, có thể thu gọn lại là những bạn trẻ quan tâm đến tình hình xung đột. Rất đáng mừng là con số này ngày càng gia tăng so với những năm trước, vì theo tôi được biết rằng những sự kiện xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều năm qua không có được nhiều sự quan tâm đến thế. Nhiều người thậm chí còn không biết đến. Tôi xin phép được chia thành cách cách biểu lộ sau:
Trước hết và dễ nhận biết nhất là những bạn trẻ biểu lộ lòng yêu nước mãnh liệt trên mạng xã hội. Họ thật sự lo lắng nguy cơ chiến tranh và chuẩn bị tinh thần chiến đấu, kêu gọi đi lính, bài trừ Trung Quốc…Tuy nhiên, cách biểu lộ này chỉ là sự bốc đồng. Các bạn phải hiểu rõ rằng Trung Quốc là một đất nước, một nền văn minh, còn điều các bạn đang phản đối lại chỉ liên quan đến chính phủ Trung Quốc thôi. Đôi khi chính tinh thần bài Trung Quốc này lại dẫn đến chiến tranh nhanh hơn những gì các bạn ấy muốn. Biểu lộ lòng yêu nước là cần thiết, vì nó có sức mạnh truyền cảm hứng lớn lao, nhưng tôi mong sao sau khi biểu lộ, các bạn ấy có thể dừng lại một chút và suy nghĩ cũng như tìm hiểu vấn đề một cách cẩn thận hơn.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ không biểu lộ cảm xúc trên mạng, mà đẩy mạnh hơn các thông điệp về học tập và xây dựng đất nước. Họ là những người nhìn thấy được vấn đề rằng sở dĩ Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép đến thế là vì đất nước của chúng ta không giàu mạnh, dân tộc của chúng ta đang suy yếu, nội bộ chính trị có nhiều xung đột. Lịch sử rõ ràng đã chứng minh, cứ mỗi khi nước Việt ta yếu thế, chia rẽ thì đó là lúc phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm. Vậy thì, nếu nhanh chóng chấn chỉnh đất nước, hòa hợp hòa giải giữa các bên thì có lẽ vấn đề Trung Quốc sẽ không đáng sợ đến vậy. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong “Lời kêu gọi Việt Nam trỗi dậy”
Có một cách yêu nước khác cũng thiên về biểu lộ, nhưng có mục đích hơn và tỏ rõ thái độ hơn, đó là biểu tình. Trong suốt tuần qua, những cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi từ Nam chí Bắc. Biểu tình quả nhiên cũng có tác dụng, đó là không chỉ bày tỏ với Trung Quốc mà còn bày tỏ với dư luận thế giới về thái độ bảo vệ chủ quyền của người dân Việt Nam, để thế giới biết rằng người Việt Nam không nhu nhược. Tuy nhiên, chỉ trong gang tấc, biểu tình có thể biến thành bạo loạn như những gì đã xảy ra ở Bình Dương,  Hà Tĩnh trong suốt một tuần. Tôi tin rằng những người yêu nước thật sự sẽ không gây ra bạo loạn, nhưng không tránh khỏi được có những bàn tay khác giật dây và kích động sự phẫn nộ. Tôi mong rằng các bạn trẻ có thể giữ vững thái độ ôn hòa mà cương quyết, để mình không trở thành con rối trong tay kẻ khác.
PV: Theo chị tại sao lại có sự khác nhau giữa cách hành xử của nhóm các bạn trẻ?
Việc mỗi người một vẻ và cách hành xử khác nhau là bình thường mà! Con người đâu phải ai cũng giống nhau! Thế nhưng, tôi nghĩ rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến cách hành xử khác nhau đó là do cách tiếp cận và xử lý thông tin. Ở những bạn biểu lộ sự lo lắng thái quá là do các bạn ấy chỉ tiếp xúc với thông tin mang tính tiêu cực, hơn nữa có thể là do bị một cú shock thông tin vì không thể tin nổi là chính phủ Trung Quốc dám ngang nhiên đến thế. Ngoài ra còn phải kể đến những nguồn luôn đưa ra các thông tin ở khía cạnh tiêu cực nhất để đạt được mục đích truyền thông và lèo lái dư luận của họ. Điều thú vị là, chính những bạn trẻ đã có quá trình tìm hiểu về vấn đề Biển Đông từ trước thì đến giờ lại tỏ ra không mấy kích động mà đã tìm được phương hướng hành xử cho mình từ lâu rồi.
PV: Vậy theo chị, cách nào là tốt nhất để các bạn trẻ hành xử đúng đắn trong bối cảnh hiện nay?
Tôi luôn cho rằng người ta hành động sai lầm là do sự thiếu hiểu biết. Ở thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, rõ ràng kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin trở nên vô cùng cần thiết. Mà những điều này thì trường học không dậy cho các bạn, xã hội cũng không dậy các bạn. Những người có được thông tin và hành xử đúng đắn hiện nay đều là nhờ họ hoàn toàn chủ động và có một thời gian dài quan tâm và tìm kiếm. Có lẽ, bên cạnh việc dậy các bạn trẻ kĩ năng thích nghi với môi trường sống ngoài đời thực, các nhà giáo dục nên quan tâm đến việc hướng dẫn cho các thế hệ đi sau thích nghi với đời sống ảo là Internet. Điều này không thể chối từ hay lảng tránh được, bởi vì chúng ta thật sự đã bước vào Kỷ nguyên thông tin, và “thông tin chính là quyền lực”.
PV: Nhưng nếu chỉ có kiến thức nền và các kĩ năng có thể nào giúp thay đổi tình trạng hiện nay được hay không?
HTN: Chúng ta không thể thay đổi được từ những điều vĩ mô to tát, bởi đó là những thứ rất khó chuyển dịch và không muốn chuyển dịch. Chúng ta phải bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất cá nhân. Xã hội sẽ không thật sự thay đổi nếu chúng ta không thay đổi, và chúng ta không thể thay đổi nếu tư tưởng và tư duy không thay đổi.
Trước hết, mỗi người trẻ cần tự ý thức về con người Việt Nam trong bản thân mình nhiều hơn. Một dân tộc không thể mạnh nếu các bạn cứ đứng ở góc nhìn của Mỹ, của Âu, của Trung Quốc để nhìn về người Việt Nam và chỉ nhận ra “người Việt xấu xí” rồi chê bai này nọ, cứ thể như rằng người Việt chúng ta với những mã số gen do cha ông để lại là một lũ người mọi rợ, ngu dốt, tiểu nhược. Tại sao chúng ta phải cố gắng bắt chước đặc tính của những cường quốc khác. Đặc tính của một dân tộc được xây dựng bằng thói quen thích nghi hay đối phó với các điều kiện tự nhiên và quá trình giao thoa hay chiến đấu với các dân tộc khác trong suốt quá trình lịch sử. Thế nên đặc tính nào cũng luôn có tính hai mặt của nó, sẽ là tích cực nếu ta biết đặt đúng chỗ, sẽ là tiêu cực nếu chúng ta đặt sai chỗ. Điều này, có lẽ phải cần các chuyên gia nghiên cứu văn hóa học hay tâm lý dân tộc chỉ rõ rồi đề ra các phương hướng phát triển đặc tính dân tộc Việt.
Ngoài tăng khả năng nhận thức về bản thân, chúng ta cũng cần tăng khả năng nhận thức về các vấn đề thế giới. Chúng ta thiếu những nhận thức này cho nên đến khi xảy ra sự cố hay phải đối mặt với biến đổi lớn nào đó của thế giới, chúng ta thường lúng túng. Hạn chế này một phần do ngôn ngữ, một phần vì vấn đề này chưa được xem trọng đúng mức. Như hiện nay, bạn có thể thấy rằng, Trung Quốc là nước láng giềng ngay sát cạnh ta, vậy mà chúng ta không có lấy một chuyên gia Trung Quốc học nào viết bài hay phát ngôn phân tích về những gì chúng ta đang phải đối mặt. Mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế, nhưng chúng ta chưa chủ động trong việc này mà chỉ tập trung nghiên cứu những nước rót vốn cho cơ quan. Tôi hi vọng rằng, các bạn trẻ, với sự nhiệt tình tìm hiểu tri thức và ước muốn giúp ích cho đất nước, có thể chủ động hơn trong việc trang bị cho mình các kiến thức về tình hình thế giới.
PV: Chúng ta đã trò chuyện về trách nhiệm, về điều cần  làm, vậy vai trò thật sự của giới trẻ trong bối cảnh hiện nay là như thế nào?
Vai trò của giới trẻ hiện nay quan trọng lắm chứ, vì chúng ta đang ở trong một thời kỳ chuyển dịch lớn không phải của đất nước mà còn trên thế giới, khi các nền tảng cũ đang bắt đầu sụp đổ và nền tảng mới thì chưa hình thành. Giới trẻ ở một đất nước còn trẻ như Việt Nam (tôi gọi Việt Nam là một đất nước trẻ bởi cuộc sống ở Việt Nam luôn luôn biến đổi và bất định) lại càng có cơ hội nhiều hơn để xây dựng một thế giới mới tốt đẹp hơn. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, Việt Nam không giống Trung Quốc, không giống phương Tây, nói một cách tiêu cực là “chẳng giống ai”, là bởi vì có thể từ Việt Nam sẽ xuất hiện những đột phá mới, việc ngủ quên bấy lâu nay của chúng ta có thể giống như một sự “dự trữ” cho một tương lai xa hơn. Những biến cố gần đây ở trên thế giới đã chỉ ra rằng mô hình nhà nước của Mỹ không ổn, của Trung Quốc không ổn, của Nga cũng không ổn. Nhưng tại sao các cường quốc này vẫn luôn muốn áp đặt các mô hình nhà nước của mình lên các nước đang phát triển, bởi vì họ muốn các nước đang phát triển trở thành “sân sau”, thành “công xưởng” phục vụ đất nước của họ chứ không quan tâm đến việc phát triển sức mạnh nội tại ở các nước này. Đó là một nguy cơ Việt Nam phải đối mặt khi bị kẹt giữa ba cường quốc ấy. Nói chuyện vĩ mô này thì rất lan man, tóm lại điều tôi muốn nói rằng: thay vì các bạn lựa chọn sự lệ thuộc hay bắt chước vào một cường quốc nào đó, thì có lẽ đã đến lúc các bạn hãy suy tư, tưởng tượng về một đất nước được xây dựng từ những đặc tính của người Việt. Đó là những gì Book Hunter và tôi muốn truyền tải trong “Lời kêu gọi VIỆT NAM TRỖI DẬY”. Sau một thời gian dài ngủ lấy sức (đôi khi cũng gặp nhiều cả mộng đẹp lẫn ác mộng), có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp để Việt Nam trỗi dậy rồi.
Người thực hiện: Minh Tâm