28 juin 2014

Việt Nam-Trung Quốc: Ai vay nợ và ai phải trả


Song Chi

H1
Chủ Tịch Nước CSVN Trương Tấn Sang “trao đổi” với cử tri khi tiếp xúc ở Sài Gòn sáng 26 tháng 6, 2014. (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Sài Gòn ngày 26 tháng 6, 2014, ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã có những câu phát biểu được báo chí trích dẫn, về vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là tình hình biển Ðông và mối quan hệ với Trung Quốc.
Chỉ cần đọc/nghe qua những phát biểu này của một trong bốn nhân vật đứng đầu bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, người ta cũng có thể nhận ra quá nhiều điều không ổn trong quan điểm, tư duy, não trạng của các lãnh đạo Việt Nam. Từ đó dẫn đến cách hành xử lúng túng, bị động, bạc nhược của họ trước Bắc Kinh bao lâu nay.


Chẳng hạn, khi nói về công hàm Phạm Văn Ðồng năm 1958, “Chủ Tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh: ‘Ông Phạm Văn Ðồng (cố thủ tướng) có bao giờ nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc đâu, đã đăng công khai trên mạng hết rồi.’” (“Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyền,” báo Tuổi Trẻ).
Ðây là lập luận chống chế quen thuộc của nhà cầm quyền Việt Nam sau khi vụ công hàm của Phạm Văn Ðồng bị công khai trước nhân dân Việt Nam và quốc tế. Về việc này, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn viết trên facebook:
“Ông Phạm Văn Ðồng không nói Hoàng Sa-Trường Sa là của Tàu?
…Ðúng là công hàm PVÐ không đề cập cụ thể đến Hoàng Sa và Trường Sa là của Tàu. Nhưng ông tán thành tuyên bố của Tàu rằng Hoang Sa-Trường Sa là của Tàu. Trong công hàm đó câu đầu tiên viết rằng:
“Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9, 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.”
Vậy thì tuyên bố 4 tháng 9, 1958 của Tàu là gì? Trên mạng vẫn còn lưu hành bản tiếng Hoa và một bản dịch tuyên bố 4 tháng 9, 1958. Tuyên bố có đoạn viết:
“Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”
Như vậy trong tuyên bố trên Tàu cộng họ nói rõ rằng Hoàng Sa-Trường Sa là của họ (hay theo cách gọi Tây Sa-Nam Sa của Tàu). Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng và tán thành Tuyên bố đó thì cũng có nghĩa là tán thành và công nhận Hoàng Sa-Trường Sa là của Tàu rồi. Khó nói cách khác được.”
Không chỉ các ông lãnh đạo mà nhiều người dân, nhất là đám dư luận viên trên mạng cũng lập luận tương tự để “chạy tội” cho cái công hàm tai hại, nhưng phải thấy rằng trước quốc tế mà cứ cố cãi như thế này thì không thể thắng được Trung Cộng về lý.
Nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: “Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Ðông, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt.” (“Việt Nam mang ơn thì sẽ trả, nhưng Trung Quốc không được áp đặt,” Dân Trí).
Bao lâu nay, phía Trung Cộng tất nhiên là thường xuyên nhắc đi nhắc lại việc đã từng giúp đỡ Bắc Việt “đánh Pháp đuổi Mỹ,” lấy đó làm cớ để mắng mỏ Việt Nam vô ơn mỗi khi quan hệ giữa hai đảng cộng sản trở nên xấu đi.
Nhưng không chỉ Trung Cộng, từ các thế hệ lãnh đạo cho tới nhiều tướng tá, quan chức khác nhau của đảng cộng sản Việt Nam cũng liên tục nhắc nhở… chính họ và người dân Việt Nam, phải biết ơn Trung Quốc.
Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền hỏi lại đảng và nhà nước cộng sản rằng hãy nói rõ ràng và sòng phẳng một lần, ai nợ ai.
Chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam nợ đảng Cộng Sản Trung Quốc để có đủ sức tiến hành hai cuộc chiến, trong đó cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” thực chất là cuộc chiến tranh ý thức hệ, là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc. Ðối với đa số người Việt Nam, đó là một cuộc chiến không mong muốn, vậy tại sao người dân Việt Nam phải mang nợ Trung Quốc.
Những thông tin, tư liệu được bạch hóa phần nào trong những năm qua đã nói lên tính chất phi lý, vô nghĩa, cái giá quá đắt phải trả cũng như những hệ lụy nặng nề cho đất nước, dân tộc Việt Nam từ việc đảng cộng sản chấp nhận sự viện trợ từ Trung Cộng để đổi lấy việc tiến chiếm miền Nam, thống nhất đất nước nhưng lại bị lệ thuộc lâu dài vào Bắc Kinh về mọi mặt.
Và họ đã phải trả món nợ này không chỉ bằng hàng núi xương máu của nhân dân mà cả tài nguyên, những sự ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế cho tới một phần lãnh thổ lãnh hải.
Những thông tin, tư liệu đó cũng cho thấy cuộc chiến chống Mỹ của Bắc Việt thật ra có lợi cho chính Trung Cộng như thế nào, đảng Cộng Sản Trung Quốc lẽ ra phải cảm ơn sự mù quáng của đảng Cộng Sản Việt Nam thì đúng hơn.
Nhưng đó là quan hệ mắc mứu giữa hai đảng, nhân dân Việt Nam chả dự phần gì vào để mà cứ phải mang ơn, biết ơn. Về phía những người cộng sản, chính cái tâm lý mắc nợ, mang ơn này đã khiến họ luôn luôn ở vào thế yếu khi phải đương đầu với Trung Cộng để bảo vệ độc lập chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ.
Tự trói buộc mình vào sự tương đồng về mặt ý thức hệ, mặc dù ai cũng rõ cho đến thời điểm này thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không còn là hai đảng cộng sản đúng nghĩa và cũng chả bên nào còn thực lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản, lý thuyết Marxism-Leninism nữa.
Tiếp đến tự trói buộc mình vào mối ân oán nợ nần, quan hệ 4 tốt 16 chữ vàng giữa hai đảng cộng sản, trong khi trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã không coi mối quan hệ hai bên ra cái gì. Và bây giờ, là lần thứ hàng trăm hàng ngàn, Trung Cộng đang công khai xâm lược Việt Nam, thách thức, lăng nhục nhà cầm quyền Việt Nam.
Chừng nào các lãnh đạo, quan chức cộng sản ở Việt Nam tự mình rũ bỏ được cái tâm lý mắc nợ ấy trong mối quan hệ với Bắc Kinh thì họ mới có đủ sáng suốt và sức mạnh để đi cùng một con đường với nhân dân và với thời đại: Thoát Cộng, thoát Trung, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, cương quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trông chờ ở nhà cầm quyền Việt Nam điều đó thì khác nào hái sao trên trời!
Cuối cùng, trong các phát biểu của ông chủ tịch nước, có một ý sau nói về việc bảo vệ chủ quyền:
“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải giữ gìn.” (“Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyền,” báo Tuổi Trẻ).
Trước đó, tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam sáng 17 tháng 5, ông Phó Thủ Tướng Vũ Ðức Ðam đã nói: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Ðời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại.” (“Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa,” báo Thanh Niên).
Và nếu chú ý tìm kiếm thêm thì chúng ta sẽ thấy không chỉ có hai nhân vật trên phát biểu những ý tương tự.
Nghe thì có vẻ quyết tâm, đầy xúc động (!) nhưng thật ra nói như vậy có nghĩa là các ông giương cờ trắng, chào thua giặc trước rồi và ủy thác việc đòi lại Hoàng Sa cũng như bảo vệ chủ quyền cho… con cháu.
Các ông không sợ người dân rồi con cháu sau này và cả lịch sử nguyền rủa muôn đời vì đã vay mượn các nước để tiêu xài cho đã đời này, mặt khác, tài nguyên đất nước, đất đai, biển, đảo& có bao nhiêu khai thác sạch, cho thuê hay bán sạch để ăn ngay đời này, còn nợ công cho tới việc đòi lại lãnh thổ lãnh hải thì để cho con cháu gánh, hay sao?
Chỉ qua một buổi nói chuyện của một trong tứ trụ triều đình của Việt Nam mà đã bộc lộ bao nhiêu vấn đề trong quan điểm, tư duy của các lãnh đạo Việt Nam, chả trách gì tình hình cứ ngày càng bi đát, tuyệt vọng.
Việt Nam có thể mất nước đến nơi mà nhà cầm quyền vẫn chưa tìm ra, và cũng không thực tâm muốn tìm, con đường để thoát khỏi Trung Cộng, bảo vệ được độc lập chủ quyền, giang sơn gấm vóc của non sông.