24 juillet 2014

Giá trị pháp lý công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng – cái nhìn của một luật sư chuyên nghiệp

Theo BVN


L.S.Nguyễn Lê Hà (Trả lời ông Trương Nhân Tuấn)
Hai vị luật sư Trương Nhân Tuấn và Nguyễn Lê Hà đã có một cuộc tranh luận thẳng thắn và không khoan nhượng. Có lẽ, nếu không có cái con quái vật mang tên Giàn khoan 981 thì hẳn hai vị đã ai ngồi nhà nấy, lo công chuyện của mình. Nhưng ”anh hùng tiếng đã gọi rằng, Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, nhất là khi hai vị nhìn sự xuất hiện phi lý của con quái vật 981 bằng con mắt của nhà luật học. Và thế là cuộc tranh luận bất đắc dĩ đã phải nổ ra. Tuy khác nhau về quan điểm nhưng tấm lòng của họ, mục đích cuối cùng mà họ hướng tới lại hoàn toàn giống nhau: đấy là sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Cám ơn quý vị đã dẫn bạn đọc thám hiểm cánh rừng luật pháp mênh mông, kỳ thú và chắc chắn là rất mới lạ với đa số bạn đọc chúng ta.
Nhận thấy cuộc tranh luận đã đến hồi viên mãn: viên mãn về kiến thức, viên mãn về ý chí bảo vệ chân lý của mình, viên mãn cả về sự khác biệt… quan điểm, BVN xin được khép nó lại
Bauxite Việt Nam

Chào ông Trương Nhân Tuấn,
Khi viết bài : “Giá trị pháp lý Công hàm TT Phạm văn Đồng…” tôi muốn đưa ra một cái nhìn đúng đắn (1), khách quan và công bằng để cùng nhau trao đổi trong sự tương kính lẫn nhau .


Người viết mong nhận được nhũng ý kiến đóng góp, phê bình đứng đắn với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng độc giả. Đặc biệt bài viết này liên quan đến lãnh vục chuyên môn về Công Pháp Quốc Tế (2).
Người có chút căn bản về luật sẽ tìm hiểu căn kẽ nội dung bài viết của một luật sư chuyên nghiệp cũng như sẽ thận trọng hơn khi đưa ra những phê bình, kết luận liên quan tới những luận điểm pháp lý.
Hơn nữa khi phê bình, độc giả hiểu rằng người phê bình nắm vững pháp lý những điều mình đưa ra và thận trọng cần thiết khi đưa ra chứng cớ (điều luật, án lệ) chứng minh.
Thực tế, bài trả lời trên đã làm tôi thất vọng, một phần, không phải ông đưa ra chứng cứ pháp lý sai lầm, nhưng là thiếu sự thận trọng cần thiết của một người phê bình luật.
Đàng khác, vấn đề bắt đầu đi quá xa , dùng các sự suy diễn sai lầm đó để bẻ hướng theo chiều không liên quan tới bài viết, mất đi không khí trong lành.
Tôi nghĩ cuộc trao đổi đã đầy đủ và phải chấm dứt sau bài này, lý do thật giản dị, như ngạn ngữ Pháp nói “ils n`ont pas la même longueur d`onde” (không có cùng một làn sóng).
Nói vắn tắt như ông bà ta: “ông nói gà bà nói vịt”
Tuy nhiên vì tôn trọng độc giả các bài viết này, tôi xin trả lời 3 điểm ông nêu ra, không phải nhằm thuyết phục ông, nhưng để các độc giả có một cái nhìn trong sáng trong rừng luật mà không phải hiểu là luật rừng .
1- Học giả cho rằng khi tôi viết: các quốc gia liên bang (Ếtats fédérés) của Hoa Kỳ (État fédéral) cũng được coi như những quốc gia theo Công pháp quốc tế mặc dù không có quyền đối ngoại và an ninh» là không đúng, là lẫn lộn.
Xin trả lời: Điều xác quyết của tôi nêu trên được toàn thể các Học thuyết luật (doctrine) công nhận và 10 tiểu bang ((Ếtats fédérés) của Liên bang Mỹ (État federal) áp dụng Công ước về Luật biển từ trước và sau năm 1958 tới luật mới 1982 để giải quyết các chấp về biển đảo giữa các tiểu bang này với nhau từ hơn nửa thế kỷ nay.
Điều này là hiển nhiên, không có ai trên thế giới này phủ nhận.
Dưới đây là danh sách 10 tiểu bang của Hoa Kỳ  đã áp dụng các Công ước
Quốc tế về Luật biển để phân địch ranh giới biển đảo :
- Alabama c. Floride ; Mississipi c. Alabama ; Floride c. Géorgie ; Caroline du Nord c. Caroline du Sud ; Caroline du Nord c. Virginie ; Virginie c. Maryland ; Lousiana c. Mississipi ; Texas c. Lousiana ; Newhamphire c. Maine ; Georgia c. South carolina ; New Jersey c. Delaware…
Nhà luật học Gilles Despeux gọi 10 phán quyết là 10 mệnh lệnh (vì tính cách quan trọng, ông ám chỉ 10 mệnh lệnh của Chúa trao cho Moise để giảng dạy dân chúng) : les dix décisions américaines de délimitation maritime ou les dix commandements de la Grande Federation tại trang 89, Droit de la delimitation maritime, Peter Lang, 2000, ISBN3-631-13996-9.
Tại trang 91, ghi chú số 14, ông còn xác định để độc giả dễ hiểu: Thật vậy, toàn thể Học thuyết (l’ensemble de la doctrine) công nhận các quốc gia trong liên bang (États Fédérés) theo nghĩa Công pháp quốc tế mặc dù không có quyền về đối ngoại và an ninh. Tiếp theo, ông ghi nhiều tên các chuyên gia, học giả nổi tiếng và các sách.
Thực tế các thẩm phán cũng như các luật sư chuyên môn coi đó như một điều hiển nhiên (évidence), không ai tranh cãi hay đặt lại vấn đề từ hơn 50 năm nay.
Ví như Thủ đô của Việt Nam là thành phố Hà Nội. Nếu có người Việt nào đó nói không đúng hay lẫn lộn, tôi đành chịu, không có ý kiến.
2- Học giả nói nếu LS kiện TQ ra Tòa án Công lý quốc tế sẽ bị bác đơn vì lỗi thủ tục.
Ông hiểu sai chữ thủ tục, ông đọc lại phần Procédure điều 40 et ss CIJ sẽ hiểu thế nào là thủ tục.
Tôi thấy thất vọng, khi ông trích dẫn : «LA HAYE, le 17 juin 2003. La Cour internationale de Justice (CIJ), organe judiciaire principal des Nations Unies, a rejeté aujourd’hui la demande en indication de mesure conservatoire présentée par la République du Congo en l’affaire relative à Certaines procédures pénales engagées en France (République du Congo c. France).
Như ông thấy, vụ Cộng hòa Công gô kiện Pháp ra Toà án Công lý Quốc tế ở La Haye Hà Lan và một vụ Hình sự đang thụ lý tại Pháp. Đây là hai vụ khác nhau về bản chất và thẩm quyền hai Toà án khác nhau ở 2 quốc gia khác nhau.
Bởi vậy, nên việc Cộng Hòa Công gô xin Toà án Công lý Quốc tế ở La Haye Hà Lan ra Án lệnh cách thức bảo hộ (mesure concervatoire) liên quan tới vài thủ tục hình sự tại Pháp.
Toà bác đơn xin án lệnh của Công gô vì Toà án Công lý Quốc tế theo quy Chế thành lập đâu có thẩm quyền liên quan tới biện pháp bảo hộ (mesure conservatoire) vụ hình sự tại Pháp, đâu phải Tòa bác đơn kiện chính đang thụ lý ra tại CIJ La Haye.
Điều 41. 1 nói rất rõ: Toà có quyền chỉ định, nếu thấy tình huống đòi hỏi, các biện pháp bảo tồn (mesures conservatoires) của mỗi bên và các biện pháp này chỉ có tính tạm thời.
Điều 41.2 trong khi chờ đợi phán quyết chung thẩm, việc chỉ định các biện pháp này được thông báo ngay cho các bên và Hội đồng an ninh.
Điều luật trên nói rất rõ, các biện pháp bảo tồn chỉ có tính các tạm thời, không có ảnh hưởng hay nguy hại đến phán quyết chung thâm về quyền lợi các bên vụ kiện.
Trong một vụ kiện, các bên yêu cầu Toà ra các Án lệnh khác nhau tùy theo nhu cầu của vụ kiện ví dụ: để bảo tồn nguyên trạng một tình thế (situation), một sự vật (objet), thay đổi người đại diện, thay đổi cố vấn, luật sư…vv các đơn (requête) này có thể bị bác hay chấp nhận với nhiều lý do khác nhau.
Vì thế, các vụ kiện quốc tế không bị bác do lỗi thủ tục là có nghĩa vậy.
Toà xét xử và ra phán quyết về Đơn khiếu kiện (jugement) còn Toà ra án lệnh (Ordonnance) các biện pháp tạm thời ((mesures conservatoires).
Tòa có thể ra nhiều án lệnh (ordonnances) trong vụ kiện nhưng phán quyết đơn kiện chỉ có một (jugement).
Chữ thủ tục theo qui định của mỗi Toà án, chứ không phải thủ tục như ông hiểu.
Ví dụ 2 ông nói vụ thất bại của Air VietNam kiện luật sư Monti là do lỗi thủ tục.
Thưa ông, điều kết luận trên không đúng.
Đơn bị bác do thời hiệu triệt tiêu tố quyền (prescription extintive): Air VietNam đã không sử dụng tố quyền trong thời gian luật định mặc dù đã nhận được đầy đủ hồ sơ.
Luật sư Monti chờ thời gian hết hạn mới xin Toà án Paris ra án lệnh sai áp trương mục Ngân hàng của Air VietNam tổng số khoảng hơn 5000 000$ tương đương với số tiền thù lao của luật sư.
Điều quan trọng hơn, vụ kiện này không phải là vụ kiện quốc tế và theo luật quốc tế.
Trái lại, đó là vụ kiện dân sự giữa cá nhân luật sư Monti và công ty quốc doanh Air Việt Nam và luật áp dụng là luật dân sự Italia.
Điều luật căn bản là điều nói về thủ đắc vô căn (enrichissement sans cause), có nghĩ là hưởng lợi không có lý do. Vụ kiện này đã gây ồn ào trong giới luật sư Việt Nam và không hiểu tại sao luật sư kiện Air VietNam vì ông ls này không có quan hệ làm ăn(3).
Các dẫn chứng trên cho thấy Ông hiểu sai vụ việc và các điểm pháp lý liên quan.
Tục ngữ Việt Nam có câu: « râu ông nọ, cắm cầm bà kia » là vậy.
Các câu hỏi khác như : kiện hay không kiện, thắng hay không thắng, chính danh, không chính danh của các chính quyền VN, giải pháp này nọ đã được đăng trên các Medias và tranh cãi và cãi cọ trên các trang mạng, các salon cà phê, các quán ăn không phải công việc của luật sư.
Là luật sư chuyên nghiệp, chúng tôi làm việc với người thật, sự việc thật, hoàn cảnh thật và tìm ra các giải pháp thỏa đáng, không nhất thiết thắng thua.
Qua bài trả lời, chúng tôi thấy có dấu chỉ vụ việc bắt đầu trượt đi quá xa, vượt tầm kiểm soát. Bởi vậy chúng tôi xin cám ơn các bạn đọc và chấm dứt bài này.
Chào Ông,
Luật Sư NGUYEN LE-HA
(1) Trong bài viết : « Giá trị Pháp L ý … » ở ghi chú 4 , tôi có đề cập tới ba con luật sư trong đó có 1 đứa đã và đang làm việc với nhiều hồ sơ luật QT và Tòa án QT nhưng không cho biết các hồ sơ nào và các toà án nào, kết quả ra sao.
Chỉ vài tờ báo đáng tin cậy, mới cho các thông tin chi tiết trên vì không muốn gây ngộ nhận. Tục ngữ Pháp có câu : cái Tôi là điều đáng ghét. Đàng khác, chúng tôi cũng muốn nói, khi viết bài báo với tinh thần trách nhiệm của một luật sư chuyên nghiệp và tôn trọng độc giả.
(2)  Đặc biệt về Công ước Vienne về Hiệp ước, về Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, về Qui Chế Toà Án Công Lý QT, về các Công ước Geneve về Luật Biển 1958 & 1982, Luật về phân định lãnh hải và Hiến pháp Hoa Kỳ ..vv
(3) Chúng tôi hay theo dõi các vụ kiện liên quan tới người Việt Nam hay cơ quan VN với ngoại quốc và tìm hiểu những điểm luật pháp lý liên quan như vụ : Nguyễn Huu Luyen c, Đai học Mỹ (trong đó có liên quan tới học giả Nguyễn Huệ Chi và ?..); vụ kiện các nạn nhân chất da cam c. các công ty Chế Tạo Hóa Chất Mỹ .
Đặc biệt vụ này, chúng tôi có một bài phân tích pháp lý và đưa ra kết luận sẽ bị bác đơn & đề nghị Chính Quyền VN nên làm gì, được đăng trong báo Pháp Luật của DHLKSG tại Houston, TX. Điều này đã xẩy ra vài tháng sau đó.