31 décembre 2014

Nhìn lại năm 2014 - năm của đau thương và bất ổn


REDS VN


Nhìn lại năm 2014, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy bức tranh toàn cầu ảm đạm với những cuộc đối đầu, xung đột đẫm máu, những tai nạn thảm khốc, dịch bệnh đáng sợ và sự nổi lên gây kinh khiếp của một hình thái chủ nghĩa khủng bố mới...

Năm 2014 chứng kiến hàng loạt những sự kiện làm rung chuyển thế giới. Có những sự kiện làm thay đổi cả cấu trúc khu vực, gây ra những hệ lụy lâu dài. Có những sự kiện để lại nỗi đau thương, ám ảnh khôn nguôi, có những sự kiện gây hoảng loạn toàn cầu...
Khủng hoảng Ukraine
Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý nhiều nhất và lâu nhất, xuyên suốt cả năm là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga.
Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Sau khi lực lượng Maidan thân phương Tây nổi dậy lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych thì cuộc chiến ở miền đông Ukraine chính thức được châm ngòi và kéo theo cuộc đối đầu Đông-Tây nóng bỏng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nếu như cuộc xung đột ở miền đông Ukraine cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy hàng triệu người vào cuộc sống khốn cùng và tàn phá nghiêm trọng đất nước thì cuộc đối đầu Đông-Tây đang gây tổn thương cho cả hai bên đồng thời gây hệ lụy đến các mối quan hệ quốc tế.
Điều đáng buồn là cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài suốt năm 2014 và đến nay khi chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm, người ta vẫn chưa thể nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Đại dịch Ebola
Dịch bệnh Ebola bắt đầu bùng phát ở Guinea hồi tháng 2 và nhanh chóng lan sang Sierra Leone, Liberia và nhiều nước khác. Sự lan rộng nhanh chóng của dịch bệnh Ebola cùng số người thiệt mạng tăng chóng mặt đã gây ra một cơn hoảng loạn trên toàn cầu. Tính đến ngày 24/12, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của 7.573 người trên toàn thế giới. Con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, “đại dịch Ebola là tình huống y tế khẩn cấp nghiêm trọng nhất trong thời kỳ hiện đại”. Đáng sợ hơn, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thuốc đặc trị dịch bệnh Ebola và dịch bệnh này vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Hàng loạt thảm họa hàng không
Ngày 8/3, chiếc máy bay MH370 chở 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã mất tích đầy bí ẩn.
Một chiến dịch tìm kiếm đã được phát động với sự tham gia của mọi phương tiện tối tân nhất có thể, một lực lượng hùng hậu nhất có thể và trên một khu vực rộng nhất có thể, người ta vẫn chẳng thể tìm thấy bất cứ manh mối nào dù là nhỏ nhất của chiếc máy bay MH370. Chiến dịch tìm kiếm MH370 diễn ra suốt nhiều tháng trời với tổng chi phí lên tới hàng trăm triệu USD – một trong những chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử thế giới.
Tuy vậy, cho đến thời điểm này, hơn 9 tháng sau ngày máy bay MH370 mất tích, chiếc máy bay này vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín. Điều đó đã biến vụ máy bay MH370 mất tích trở thành vụ việc bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
Thế giới còn chưa hết sốc về vụ máy bay MH370 thì vào ngày 17/7, thêm một chiếc máy bay nữa của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi khi đang chở 295 người. Vụ rơi máy bay MH17 quá thảm khốc khi người ta phải chứng kiến hàng trăm thi thể cháy đen. Vụ việc này cũng vô cùng bí ẩn khi đến nay các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định đâu là nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa đối với máy bay MH17 và ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc đau lòng này. Nga và phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho nhau và vụ rơi máy bay MH17 đã khiến cho cuộc đối đầu Đông-Tây thêm nghiêm trọng.
Đau thương trong ngành hàng không vẫn chưa dừng lại khi vào những ngày cuối cùng của năm – 28/12, một chiếc máy bay chở 162 của hãng hàng không AirAsia đã rơi xuống biển. Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ đã vớt được hàng chục thi thể nạn nhân dưới biển. Nhiều khả năng, sẽ chẳng có ai trong số 162 người đi trên chiếc máy bay này có cơ hội sống sót.
Thảm họa chìm tàu đau thương nhất lịch sử Hàn Quốc
Ngày 16/4, con tàu chở khách có trọng tải 6.825 tấn mang tên SEWOL đã bị lật nhào và bị chìm xuống nước ở ngoài khơi đảo Jindo, ngay góc phía tây nam của bán đảo Triều Tiên. Lúc tai nạn xảy ra, trên tàu chở 475 người, hầu hết là học sinh trung học. 304 hành khách đã thiệt mạng và nạn nhân đa phần đều là các em học sinh. Đây là thảm họa gây chấn động thế giới và làm rung chuyển đất nước Hàn Quốc.
Sự thảm khốc, tang thương của thảm họa trên nằm ở chỗ phần lớn nạn nhân thiệt mạng là các em học sinh tuổi từ 16 đến 18 – độ tuổi đang tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết, đang ấp ủ bao ước mơ và hoài bão cháy bỏng.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam
Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong những năm gần đây luôn gây lo ngại rất lớn cho cộng đồng thế giới. Hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đã gây ra một trận “sóng gió” lớn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây khi trắng trợn hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ ở trong vùng biển của Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cũng kể từ đó, Trung Quốc luôn huy động một lực lượng lớn tàu có lúc lên tới 134 chiếc, trong đó có cả tàu chiến, tàu quân sự, để khống chế, xua đuổi, đâm va các tàu cá hay các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Trung Quốc đã gây không ít thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích và thậm chí đâm chìm tàu Việt Nam, đe dọa đến tính mạng ngư dân.
Hành động của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế không thể im lặng. Không chỉ có tiếng nói mạnh mẽ phản đối việc làm của Trung Quốc, có lẽ đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế lại có phản ứng công khai và quyết liệt như vậy về tình hình ở Biển Đông. Sự đấu tranh kiên quyết của Việt Nam cùng tiếng nói của cộng đồng quốc tế đã buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam vào ngày 15/7, sớm hơn một tháng so với kế hoạch của Bắc Kinh.
Sự nổi lên đáng sợ của Nhà nước Hồi giáo (IS)
Nhóm IS chỉ bắt đầu nổi lên và gây chú ý từ đầu năm nay sau khi đánh chiếm được một loạt khu vực ở Iraq, Syria và tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” ở những nơi chúng chiếm đóng. Đó là khu vực nằm giữa Iraq và Syria. IS gây kinh hoàng khi chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã thể hiện mức độ tàn độc, dã man và khát máu một cách đáng sợ chưa từng có, vượt hơn cả mức độ đáng sợ của tổ chức khủng bố khét tiếng một thời – Al-Qaeda.
Để trả thù cũng như phát đi thông điệp ớn lạnh cho Mỹ và các cường quốc phương Tây, nhóm IS đã công khai thực hiện hàng loạt vụ chặt đầu ghê rợn.
IS gây chấn động thế giới còn bởi quy mô, độ tinh vi và hoạt động bài bản cộng với nguồn tài chính dồi dào, ổn định của tổ chức này. Nhóm khủng bố IS hiện tại được cho có thu nhập khoảng 5 triệu USD mỗi ngày chỉ riêng từ việc bán dầu mỏ. Nhóm Nhà nước Hồi giáo còn có sự hậu thuẫn lớn từ bên ngoài, đặc biệt là từ những quốc gia ở vùng Vịnh Persia. Ngoài ra, IS còn tìm cách thu thuế ở những khu vực đang nằm trong quyền kiểm soát của chúng, thu được khoảng 15 triệu USD hàng tháng ở riêng khu vực Mosul.
Tàn bạo, thiện chiến, được tổ chức tốt, hoạt động tinh vi và có nền tài chính dồi dào, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trở thành mối đe dọa hàng đầu của thế giới.
Mỹ - Cuba nối lại quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch
Một trong những tia sáng hiếm hoi trong bức tranh toàn cầu năm 2014 chính là việc Mỹ bất ngờ làm lành với Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 17/12 đã tuyên bố Washington đang lên kế hoạch để xây dựng lại mối quan hệ với Cuba. Phát biểu từ Nhà Trắng ở thủ đô Washington, DC, Tổng thống Obama cho biết, Mỹ đang tìm kiếm việc thiết lập trở lại mối quan hệ ngoại giao với Cuba, sớm lên kế hoạch mở một đại sứ quán ở thủ đô Havana, cho phép bán hàng và hoạt động xuất khẩu cũng như đưa ra những thay đổi về luật đi lại giữa hai nước sau nhiều thập kỷ những hoạt động này bị hạn chế.
“Ngày hôm nay, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang thay đổi mối quan hệ với nhân dân Cuba”, Tổng thống Obama cho biết trong bài phát biểu thể hiện rõ mong muốn thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Cuba. Ông chủ Nhà Trắng miêu tả đây là “sự thay đổi quan trọng nhất” trong chính sách của Mỹ trong hơn 50 năm qua.
Bán đảo Triều Tiên nóng trở lại
Những ngày cuối năm, thế giới lại chứng kiến bán đảo Triều Tiên nóng bỏng trở lại khi Bình Nhưỡng và Washington đối đầu nhau vì vấn đề nhân quyền và tấn công mạng. Việc Mỹ công khai lên án vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên cũng như đổ lỗi cho Triều Tiên gây ra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures đã khiến Bình Nhưỡng nổi đóa thực sự. Triều Tiên không ngần ngại đưa ra lời đe doạ đáng sợ về một cuộc tấn công nhằm thẳng vào đất Mỹ, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Trong khi đó, Washington tuyên bố cân nhắc khả năng đưa Triều Tiên trở lại danh sách những nước tài trợ cho khủng bố.
Giá dầu thế giới lao dốc thảm hại
Trong 6 tháng qua, giá dầu thế giới đã lao dốc thảm hại khi mất giá tới 40% và đến ngày 9/12 tụt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm, xuống chỉ còn 63 USD/thùng. Diễn biến này gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn cầu cả theo hướng tiêu cực lẫn tích cực.
Giá dầu giảm đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thế giới và kích thích nền kinh tế của nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của nó là cũng gây tổn thất nặng nề cho không ít quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.

Nguồn :  REDS VN