28 décembre 2014

Trung Quốc muốn ‘củng cố lòng tin’ với Việt Nam

Nguồn: Theo VOA


Dương Danh Di: "nhưng xin nói thật, tôi không có ảo tưởng gì về quan hệ với Trung Quốc cả. Việt Nam cũng chẳng bằng mặt, mà bằng lòng thì không bằng lòng rồi. Tất nhiên mình cũng chẳng dại gì một nước nhỏ cạnh nước lớn mà lại căng thẳng, gây sự với họ làm gì, nhưng những nguyên tắc về chủ quyền, lãnh thổ của chúng tôi mà anh xâm phạm thì chúng tôi không thể tha thứ được”.
 
 

Các cuộc biểu tình bài Trung Quốc bùng lên khắp Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu trị giá một tỷ đôla vào vùng biển mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình hồi tháng Năm




Một giới chức cấp cao của Trung Quốc đã tới Việt Nam hôm 25/12, bắt đầu chuyến công du kéo dài 3 ngày, khép lại một năm đầy sóng gió trong mối bang giao Hà Nội – Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp với giới chức nước chủ nhà, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh nói rằng  Bắc Kinh muốn mối bang giao với Việt Nam “đi đúng hướng”.
Tân Hoa Xã trích lời ông Du nói với ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam rằng ông đã được Chủ tịch Tập Cận Bình cử tới Việt Nam để “củng cố lòng tin giữa hai nước, thiết lập sự đồng thuận và thúc đẩy quan hệ Trung – Việt đi đúng hướng”.

Nhân vật thứ tư trong hàng ngũ lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc cho biết thêm rằng Bắc Kinh ‘sẵn lòng tăng cường trao đổi với Việt Nam và xử lý quan hệ song phương một cách chiến lược và dài hạn’.
Ông Du cũng đánh giá tích cực chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Tám của ông Lê Hồng Anh trên danh nghĩa đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Giới chức Việt Nam đi Trung Quốc sau cuộc đối đầu căng thẳng trên biển Đông giữa tàu bè của hai nước quanh giàn khoan dầu gây tranh cãi.
Nhận định về các tuyên bố của ông Du, ông Dương Danh Di, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ:

“Sau chuyện họ đưa giàn khoan vào, Việt Nam cương quyết phản đối, thế giới phản đối, ASEAN phản đối, các nước lớn, trong đó có Mỹ, các nước mới trỗi dậy, trong đó có Ấn Độ, đều lên tiếng phê phán họ thì bây giờ buộc họ phải xuống thang để cải thiện quan hệ với Việt Nam, nhưng xin nói thật, tôi không có ảo tưởng gì về quan hệ với Trung Quốc cả. Việt Nam cũng chẳng bằng mặt, mà bằng lòng thì không bằng lòng rồi. Tất nhiên mình cũng chẳng dại gì một nước nhỏ cạnh nước lớn mà lại căng thẳng, gây sự với họ làm gì, nhưng những nguyên tắc về chủ quyền, lãnh thổ của chúng tôi mà anh xâm phạm thì chúng tôi không thể tha thứ được”.
Năm 2014 chứng kiến mối quan hệ giữa hai nước láng giềng cùng theo chủ nghĩa cộng sản rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các cuộc biểu tình bài Trung Quốc bùng lên khắp Việt Nam sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu trị giá một tỷ đôla vào vùng biển mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình hồi tháng Năm.
Kể từ đó, Trung Quốc dường như đang muốn hàn gắn quan hệ với Việt Nam bằng cách cử các giới chức cấp cao tới Hà Nội.

Tuy nhiên, quan hệ lại trở nên căng thẳng trong tháng này sau khi Việt Nam “bày tỏ lập trường” đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi Manila nói rằng hành động của Hà Nội “thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong một diễn biến khác, hôm 25/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu đánh giá về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong năm 2014, trong đó nhấn mạnh tới việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông giữa các nước liên quan trực tiếp.