30 janvier 2015

24.000 tiến sĩ Việt Nam đang làm gì?

Tin Tức Hôm Nay
- Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học.
Photo:
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu?


Nhiều quan chức
Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Đó là tiết lộ của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch Tỉnh bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại do thiên tai năm 2012.
Cách đây không lâu, Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.
Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ TS.
Và tiến sĩ cho dù có đang làm gì đi nữa, thì công tác nghiên cứu khoa học đối với họ chắc chắn không phải là việc trọng yếu. Bởi, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới".
Tiến sĩ rởm “bị lộ” đã từng làm việc ở những đâu?
Có đến 21 trường đại học đã và đang có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ.
Chắc chắn không ít lãnh đạo các tập đoàn, cơ quan Nhà nước có bằng Thạc sỹ của Đại học Irvine và bằng Tiến sĩ của Đại học Nam Thái Bình Dương. Cả hai trường Đại học này đều là trường rởm (degree-mill) bị báo chí phanh phui suốt mấy năm qua.
Đầu tháng 6/2010, dư luận tỉnh Phú Thọ xôn xao khi được biết ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ”. Với tấm bằng cử nhân tại chức kinh tế - quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì), không biết tiếng Anh, ông Ân nâng cấp cho mình bằng tấm bằng tiến sĩ tại trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ.
“Tiến sĩ” Nguyễn Văn Ngọc, thời điểm còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng lấy bằng Tiến sĩ ĐH Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng với 17.000 USD.
Đang đình đám là “tiến sĩ kinh tế” Dương Chí Dũng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dương Chí Dũng chọn con đường đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức vào những năm cuối thập niên 1980. Đầu năm 1994, ông Dũng về Việt Nam và làm cán bộ Liên hiệp Các xí nghiệp nạo vét và sau đó làm phó giám đốc cho Công ty nạo vét sông 1.
Trong thời gian này, ông đã đi học lớp tại chức tại ĐH Hàng hải, tiếp đó học lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh doanh thương mại. Đến tháng 9.2003, ông Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng cty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Hậu quả mà vị “tiến sĩ kinh tế” này để lại cho các đơn vị ông ta từng công tác đến nay ai cũng rõ.
Người ngoại tỉnh thi công chức Hà Nội: Phải là thủ khoa, tiến sĩ
Nếu không có hộ khẩu Hà Nội, người ngoại tỉnh phải tốt nghiệp thủ khoa trong nước, hoặc loại xuất sắc ở nước ngoài, hoặc phải có bằng Tiến sỹ…mới được tham gia thi tuyển công chức Hà Nội năm 2015.
Ngày 14/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký Quyết định Về việc Phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội năm 2015.
Theo đó, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức năm 2015 của Hà Nội là 560 người.
Về điều kiện và tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức, ngoài điều kiện phải có quốc tịch Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, thì người thi tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, muốn thi tuyển công chức phải có ít nhất một trong các điều kiện sau: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; Tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; Có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; Có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi.
Người không cư trú tại Việt Nam, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…thì không được thi tuyển công chức.
Kỳ thi tuyển công chức ở Hà Nội trong năm nay cũng áp dụng chính sách ưu tiên cho nhiều đối tượng, như: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách được cộng 30 điểm; Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp…được cộng 20 điểm; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND, thanh niên xung phong…được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển.
Người trúng tuyển công chức sẽ được làm việc tại các chi cục, phòng, ban chuyên môn tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã.
Ngày 15/01/2015, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 77/SNV-ĐTBDTD về việc thông báo chỉ tiêu thi tuyển, thu nhận hồ sơ thi tuyển công chức năm 2015. Theo đó, từ ngày 15/01 đến 17 giờ ngày 13/02 (trừ thứ Bảy và Chủ Nhật) các đơn vị sẽ tổ chức thu nhận hồ sơ, lệ phí dự tuyển công chức của thí sinh.