23 février 2015

Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) - Bài Học Lịch Sử Cho Tuổi Trẻ Việt Nam



Lê Quang Mỹ

Nước Việt Nam ở về Đông Nam Châu Á, đông giáp biển Nam Hải, tây giáp Ai Lao-Cao Miên, bắc giáp Trung Quốc. Diện tích là 329,600 km vuông (206,000 dặm vuông). Dân số ban đầu 500,000 người, thời Lý-Trần khoảng 5 triệu, hiện nay hơn 80 triệu.



Kể từ thời lập quốc với các vua Hùng ( từ năm 2879 đến 258 trước Công Nguyên ) tên nước được gọi là Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương (258-207t.CN) goi là Âu Lạc. Thời Lý Bôn (544-602) đánh thắng nhà Lương (Trung Quốc) xưng đế đặt tên nước là Vạn Xuân. Thời nhà Đinh (968 – 980) dẹp xong loạn 12 sứ quân lập nên nước Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt, Đại Nam. Sau cùng là Việt Nam, thời nhà Nguyễn (1802).

"Việt Nam khởi tổ xây nền"
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Người Việt cổ xưa gọi là Lạc Việt (chim Lạc bay về hướng Nam) từ Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư sang, sau tụ lại ở Bắc Việt và đồng hóa các bộ tộc khác lập thành một nước với nhiều giống người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau như người Môn- KhơMe (Tây Bắc, Quảng Trị, Tây Nguyên), người Thái ( Tây Bắc, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá), người Mèo- Dao (Việt Bắc, Hoa Bình, Thanh Hoá), người Tạng-Miến (Hà Giang, Tây Bắc), và người Hoá (Quảng Ninh, Bắc Thái) vv...Nghĩa là nước Việt Nam chúng ta cũng có nhiều sắc dân sống trên cùng một mảnh đất nhưng ở bình diện hẹp. Nói đến dân tộc Việt nam chúng ta thường tự hào về nòi giống con Rồng, cháu Lạc với hơn 4,000 năm văn hiến nhưng đó là những truyền thuyết từ xưa để lại.

Người Pháp tự hào có một Napoleon Bonaparte. Người ta tôn kính ông là một thiên tài đã từng chinh phục từ Âu sang Á nhưng cuối cùng bị bại tại trận Waterloo (nước Bỉ). Khách du lịch tới Pháp bắt đầu từ đại lộ Champs Elisée, gần nhà thờ Đức Bà, cạnh dòng sông Seine và Khải Hoàn Môn; thấy một công trình kiến trúc đồ sộ để tưởng nhớ Napoléon Đại đế, người làm rạng danh nước Pháp.

Tại Mỹ, cùng thời gian nầy với cuộc cách mạng giành Độc lập từ trong tay người Anh để thành lập nên một nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. George Washington, một chính trị gia lỗi lạc, anh hùng dân tộc, đã đưa đất nước Hoa Kỳ đến chỗ vinh quang, giàu mạnh.

Quang Trung-Nguyễn Huệ, người Việt Nam thời đó, đã có đủ hai đặc điểm: thiên tài quân sự của Napoléon Bonaparte và chính trị gia lỗi lạc của George Washington. Vua Quang Trung giữa lúc nước nhà loạn ly đã xông pha trận mạt. Ông hành quân thần tốc, tiêu diệt hai tập đòan Trịnh-Nguyễn cát cứ, đánh đuổi giặc ngoại xâm Xiêm La và Mãn Thanh, bách chiến bách thắng. Từ khi bắt đầu làm tướng lúc 18 tuổi đến khi ông mất vừa tròn 40 tuổi chưa hề biết chiến bại là gì !!!

Chúng ta hãnh diện và tự hào có vị anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, là gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. Chiến thắng Đống Đa-Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, chỉ trong vòng 5 ngày Vua Quang Trung đã tiêu diệt trên 20 vạn quân Thanh. Đây là một chiến công hiển hách, so sánh với chiến công của các danh tướng Đông Tây Kim Cổ trên thế giới, là niềm hảnh diện chung cho Dân Tộc Việt Nam.

Những điều cần biết về Quang Trung- Nguyễn Huệ:

1. Gia phả: 

Nguyễn Huệ quê ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dòng họ với Hồ Quý Ly và Hồ Xuân Hương. Năm Ất Mùi (1655), quân Nguyễn bắt dân đưa vào Đàng Trong khai hoang. Cụ tổ bốn đời ở ấp Tây Sơn Nhất, huyện Quy Ninh, phủ Quy Nhơn. Đến đời Hồ Phi Phúc dời về ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn (nay thuộc Kiên Mỹ, Bình Thành, Tây Sơn, Bình Định). Hồ Phi Phúc và vợ là Nguyễn Thị Đồng sinh ra 3 anh em: Hai Nhạc, Ba Huệ, Tư Lữ (theo cách gọi của người Bình Định) sau đổi thành họ Nguyễn tại một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Côn, nơi có bến Trường Trầu, giếng nước, cây me. Thuở nhỏ, Nguyễn Huệ có tên là Hồ Thơm. Ba anh em Nguyễn Huệ đều theo học thầy giáo Hiến, một sĩ phu tài giỏi nhưng bất phùng thời.

2.Vài nét đặc biệt về chân dung Nguyễn Huệ:

Theo những tài liệu mới phát hiện gần đây nhất, Nguyễn Huệ có mái tóc xoăn, da săn, mắt sáng, tiếng nói sang sảng như chuông, nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

"Ông có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu" (Tây Sơn lược thuật). Thậm chí, một cung nhân của nhà Lê nói rằng: "Nguyễn Huệ trỏ tay, đưa mắt, ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét...".(Hoàng Lê nhất thống chí).

-"Tiếng nói của Nguyễn Huệ cũng rất đặc biệt, như tiếng chuông, lời nói ngắn gọn, giản dị, thấm vào lòng người, tạo nên sự gần gũi, đồng cảm sâu sắc". Một lần ở Thanh Hóa, Nguyễn Huệ ngồi trên mình voi nói lớn: "Chư quân, hãy vì ta giết sạch chó Ngô đi. Nếu ai không muốn chiến đấu thì hãy xem ta trong một trận giết hàng vài vạn mạng người, đấy không phải là chuyện lạ đâu". Ông vừa dứt lời, quân lính dạ ran như sấm, rung động núi rừng, trời đất biến đổi cả cảnh sắc, chiêng trống đồng thời vang lên (Lê Quý kỷ sự).

Nguyễn Huệ ứng đối, pha trò rất giỏi. Lần ra Bắc diệt họ Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh ngỏ ý làm mai mối công chúa Lê Ngọc Hân cho ông, ông đã khiến mọi người đều phải cười ầm: "Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng thử xem có tốt không...".

Trong gia đình, Nguyễn Huệ sống với vợ con rất tình cảm. Ông có hai bà Hoàng hậu. Bà chính cung quê ở Quy Nhơn, em cùng mẹ với Thái sư Bùi Đắc Tuyên, Bùi Văn Nhật. Bà sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Nguyễn Quang Toản là con trưởng, được lập làm Thái tử, về sau là vua Cảnh Thịnh. Trong một bức thư viết ngày 17/7/1791, giáo sĩ Sécrard đã kể: "Chánh hậu của Tiên vương (Quang Trung) mất vào khoảng tháng ba và ông đã khóc bà một cách sầu thảm. Ông đã cử hành tang lễ vô cùng linh đình trang trọng cho bà vào cuối tháng sáu. Dân Nam Hà đồn khắp nơi rằng ông đã băng hà vì quá đau buồn".

Bắc cung Hoàng Hậu là công chúa Lê Ngọc Hân, con gái thứ chín vua Lê Hiển Tông và bà nguyên phi Nguyễn Thị Huyền người làng Phù Ninh, Từ Sơn (nay huyện Gia Lâm, Hà Nội). Công Chúa Ngọc Hân sinh ngày 27/4/Canh Dần (1770) tại quê ngoại, mất năm Kỷ Mùi (1799). Ngọc Hân đã sinh hạ cho Nguyễn Huệ một con trai là Nguyễn Văn Đức và một con gái là Nguyễn Thị Ngọc, sau này đều bị triều đình nhà Nguyễn giết hại. Công chúa Ngọc Hân là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, vua Quang Trung rất yêu và có phần tự hào về bà. Hôm cưới, ông đắc ý nói với Ngọc Hân:"Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?".

Hôm lễ tế vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Huệ mặc đồ tang, đứng coi xét lễ nghi hết sức chu đáo...

Nguyễn Huệ sống khoan dung, nhân hậu nên những người gần gũi ông đều tỏ lòng cảm kích. Bài thơ "Ai Tư Vãn" khóc chồng của công chúa Ngọc Hân:

"Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công trình!...
Mà nay lượng cả, ơn sâu,
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần.
Công dường ấy mà nhân dường ấy,
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công!"

thật cảm động chứng tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ của bà với tài, đức, công lao sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ...

Nguồn : Tiếng Dân