28 mai 2015

Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, cần nhanh chóng xây dựng "Luật biểu tình"


Ngọc Quang
 
 
(GDVN) - Sáng nay (27/5) thảo luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị nhanh chóng xây dựng Luật Biểu tình để đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Sáng nay (27/5), Quốc hội đã thảo luận về nội dung “Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015”. Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị cần đẩy nhanh dự án Luật biểu tình để đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin điểm lại những phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng): “Đề nghị Quốc hội ưu tiên hàng đầu ban hành các dự án luật để tiếp tục thi hành Hiến pháp năm 2013. Trong đó sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt ưu tiên đưa vào chương trình những dự án luật thuộc chương trình nhiệm kỳ Quốc hội Khoản XIII đã thông qua.
Để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tôi thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ thứ 11 vào quý I năm 2016.
Đồng thời phải hạn chế tối đa những luật đã được Quốc hội thông qua, nhưng chưa có hiệu lực, đã đề nghị sửa đổi một số điều".
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM): “Cần ưu tiên những luật để triển khai Hiến pháp. Khi Hiến pháp ra đời có tình trạng là có những điểm chưa có luật và những luật hiện hữu lại đang trái với Hiến pháp hoặc không phù hợp với Hiến pháp nên ưu tiên này là hoàn toàn đúng, không thể để xảy ra tình trạng vi hiến.
Luật biểu tình, tình hình ngày càng bức xúc, quyền biểu tình đã được Hiến pháp quy định. Nhu cầu chúng ta có Luật biểu tình để đưa việc thực hiện quyền con người, quyền của công dân vào nề nếp, vào trật tự, điều này đã nói nhiều, tôi không muốn nhắc lại.
Tôi tán thành việc Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải xây dựng và cho ý kiến trong kỳ họp này. Tôi tán thành đại biểu Trần Ngọc Vinh là tốt nhất chúng ta đưa ra trong kỳ họp thứ 10 để lấy ý kiến và thông qua kỳ họp thứ 11”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. ảnh: TTBC
 
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Chúng tôi rất tán thành vào dự kiến mà chúng ta đưa vào trong chương trình luật năm 2016, trong đó có luật về biểu tình. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Luật biểu tình chúng ta ra sớm thì tình hình ổn định an ninh, tình hình xã hội thuận lợi hơn.
Đặc biệt, trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, nên người dân rất muốn có điều kiện để người ta bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tỉnh cảm, phản ứng của họ. Nếu có Luật biểu tình thì rất tốt”.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội): “Đối với Luật biểu tình và Luật lập hội, tôi thấy rất đáng tiếc. Chắc chắn nhiều đại biểu Quốc hội tham dự 3,4, khóa trong Quốc hội của chúng ta sẽ lấy làm tiếc nếu kỳ này chúng ta không được bấm nút thông qua 2 luật này.
Tôi mong muốn nếu chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 luật này để nhiệm kỳ XIII này, chúng ta được thay mặt nhân dân thông qua. Tôi tin rằng, công cuộc đổi mới và dân chủ hóa đời sống xã hội của đất nước sẽ được khẳng định một cách rất tốt đẹp”.
Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương): “Về nội dung cụ thể dự thảo nghị quyết, tôi thấy còn có điểm chưa hợp lý, cần ưu tiên Luật biểu tình và Luật về hội ban hành trong khóa XIII này. Vì đây là vấn đề được nêu ra từ nhiều khóa trước và từ đầu khóa này.
Do chưa có luật nên tình trạng tụ tập đông người, dừng việc tập thể, phản đối hoặc kiến nghị lãnh đạo công ty, lãnh đạo chính quyền cơ sở, không biết gọi hiện tượng đó là gì cho chính xác và giới hạn của việc đó đến đâu là hợp pháp, đến đâu là vượt quá, là vi phạm pháp luật.
Việc các hội ra đời quá nhiều và nơi này thì cho phép, nơi kia không cũng trong tình trạng tương tự, là do ta chưa có luật về hội”.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định): “Tôi tán thành quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo đưa vào chương trình một số dự án luật. Ví dụ, Luật về hội trong đó có Luật biểu tình.
Tôi đồng ý với một số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đây là luật chúng ta nói rất lâu và không chỉ trong nước cử tri quan tâm, nước ngoài cũng quan tâm mà tại sao Quốc hội mãi không đưa luật này vào chương trình.
Có phải do công tác chuẩn bị của chúng ta chưa đủ, chưa kỹ hay là lý do nào khác? Người ta sẽ đặt như vậy, phức tạp ra. Tôi đề nghị cứ đưa ra, tôi cho rằng nếu luật này thực sự là khó, là nhạy cảm có thể nghĩ đến chuyện hai kỳ họp không thông qua cũng được thì phải ba kỳ họp. Tôi đề nghị cứ đưa luật này vào trong chương trình”.
Ngọc Quang
Nguồn: Theo GDVN