19 juillet 2015

Tô Văn Trường: BẢN LĨNH ỨNG KHẨU ỨNG ĐỐI CỦA CHÍNH KHÁCH


Tô Văn Trường


 
Do cơ chế tuyển chọn, sàng lọc, phản biện rất khoa học và dân chủ, nước Mỹ luôn có được những chính khách tài giỏi đủ bản lĩnh dẫn dắt đất nước Mỹ để rồi nước Mỹ luôn đóng vài trò dẫn dắt thế giới. Tài năng và tầm nhìn của những nhà lãnh đạo nước Mỹ đã tạo ra những bước ngoặt lịch sử hết sức ngoạn mục trong quan hệ quốc tế mà điển hình là việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và Cuba, hai cựu thù đặc biệt của nước Mỹ.
 

Chuyến đi thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất quan trọng và có tính biểu tượng tốt là ông Trọng đại diện cho Đảng chịu đi Mỹ (hay chịu đề nghị với Mỹ về chuyến đi) và Tổng thống tiếp tại Nhà trắng, tức là Mỹ chấp nhận thực tế là Đảng cộng sản có vai trò lãnh đạo ở Việt Nam. Hai bên trước đây đã ký hợp tác toàn diện có nghĩa là cả quân sự. Cụ thể hợp tác đến mức nào là vấn đề tính toán của 2 bên trong tương lai.

Có một điều đáng mừng là chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã gây dựng lại lòng tin của người dân, vì ai cũng thấy dã tâm của Trung Quốc, ai cũng thấy chúng ta phải dẹp hết mọi hiềm khích giữa người Việt Nam với nhau để đối phó với bành trướng phương Bắc luôn luôn lợi dụng, chống phá, xúi giục mấy nước lân bang gây khó cho ta. Có thể nói ông Trọng đã thoát gánh nặng lịch sử khá ngoạn mục, mặc dù đó mới chỉ là một bước đi tích cực, hy vọng sẽ có những bước đi “đột phá” hợp lòng dân hơn nữa.


Người dân Việt ấn tượng nhất được nghe Phó Tổng thống Joe Biden lẩy Kiều khi ông tổ chức chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người khen về sự thâm thúy, thông minh hóm hỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ và bộ máy tham mưu của họ và tiếc cho ông Nguyễn Phú Trọng xuất thân cử nhân văn chương nhưng không vận dụng được sở trường của mình để ứng đối với Phó Tổng thống Mỹ.

Sở học có nhiều dạng
 
“Trổ tài sở học” có nhiều dạng: uyên bác, thâm thúy, tinh tế và khẩu khí. Riêng khẩu khí thì bao hàm (tích hợp) cả sự uyên bác, thâm thúy và tinh tế nhưng, trên hết là “độ nhạy”, điều hiếm hoi này thường được gọi là tài ứng khẩu, ứng đối thì không phải dễ gì mà có. Nhất là sự ứng đối bằng cách “lẩy” tức là mượn lời của người khác mà diễn đạt khớp với ý tứ của mình. Đó thực sự là cuộc “đột kích não” nhằm “đãi cát tìm vàng”, không thể chỉ “học gạo” hay “thuộc bài” mà đạt được!

Trong quá khứ, thiếu gì người đã từng “sôi kinh, nấu sử” nhưng số người có khẩu khí thì thật hiếm hoi. Đó là chưa tính đến “khí phách” là một yếu tố rất quan trọng trong tính cách tạo nên khẩu khí .

“Thần thiêng nhờ bộ hạ”, “vị thần mà nể cây đa”, tôi không tin là Bill Clinton và Joe Biden lại là người rành rẽ Truyện Kiều đến mức đó đâu mà chỉ là nhờ họ có được dàn “bộ hạ” đủ trình độ đã “gà” theo đúng ý chính mà họ gợi ra.

Giống hệt như việc ra vế câu đối, bên ra đề đã chuẩn bị rất kỹ càng và bên đáp bị đặt vào tình huống như chơi bàn cờ thế (cờ thế là một bàn cờ đã được sắp xếp sẵn, đặt ra một thế cờ rất hóc hiểm (1 ăn – 9 thua), người chơi được tùy chọn bên để tham gia và phải tìm ra cho được những nước đi thoát hiểm. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã đặt ra cho kẻ sỹ mấy tiêu chuẩn để xem là toàn năng: cầm (đàn nhạc), kỳ (đánh cờ), thi (làm thơ) và họa (vẽ).

Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là một chính khách kiệt xuất lừng danh nếu trong tình huống nghe Phó Tổng thống Mỹ lẩy Kiều mà ứng đối được ngay bằng cách lẩy trở lại bằng một câu thơ Mỹ nhưng, đó chỉ là kỳ vọng mà thôi. Không đủ vượt trội về ngôn ngữ (1 trong 7 trí thông minh của con người), chính ông đã từng thốt ra “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” (phát biểu tại buổi nhận chức Chủ tịch Quốc hội khóa 12). “Thần” đã vậy mà “bộ hạ” phần lớn “ăn theo, nói leo” thì làm sao mà “thiêng” (trí tuệ) cho được .

Nhớ lại, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển ngữ tài tình bài thơ ngụ ngôn “Con lừa mang tượng thánh” (L’Ane portant des reliques) [đi đến đâu cũng thấy mọi người cung kính, trọng vọng] với câu kết rất chí lý :  

“Quan mà dốt đặc vô tài
Thì dân lạy cái áo ngoài mà thôi” !

(áo vua ban ở đây là chức vị, cương vị) .

Lịch sử cận đại của Việt Nam cũng có những tấm gương sáng, giỏi ứng biến. Tôi được nghe kể lại câu chuyện rất đáng suy ngẫm: trong lần đi đàm phán ở Pháp trở về nước bằng đường tàu thủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên hóng gió trên boong tàu. Lúc đó, có hai viên tướng Pháp cùng chuyến đi đã kè tới hai bên và nói, đại ý là : “Chúng tôi rất vinh dự vìđã được cơ cấu cùng chuyến đi với ngài”. Hai vị tướng người Pháp sử dụng từ “Cadre” nghĩa là khung (khung tranh, ảnh), kết cấu (cơ cấu), khuôn khổ (phạm vi, giới hạn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trổ tài ứng khẩu rất nhanh đại ý:”Giá trịlà ở bức tranh chứ không phải là ở cái khung”.
 

Lỡm để khôn lên
 

Các chính khách Việt Nam rất ít người có thói quen tiếp nhận những ý kiến của dân. Ngược lại, chính khách của nhiều nước luôn lắng nghe ý kiến của dân kể cả thông qua cách lỡm của dân chúng.

Minh chứng, cách đây ít năm khi đồng Euro bị trao đảo, nước Đức (trụ cột lớn nhất của đồng tiền này) đã è cổ ra gánh vác. Tất nhiên là dân Đức chẳng lấy gì làm vui về việc đó nên họ đã vẽ tranh biếm họa đăng lên báo: hình vẽ một con heo nái (có mặt mà ai cũng nhận ra là bà Thủ tướng Angela Merkel) và một bầy heo con xúm xít vào bú. Bà Thủ tướng không hề giận dỗi vì hiểu rằng đó là lời “mắng yêu” của dân chúng .

Cách đây vài chục năm, trên trang bìa đầu của một tờ tạp chí Ấn Độ có bức biếm họa vẽ biểu đồ các loại thuế và phí tua tủa xỉa lên như … một bàn chông. Và, đặt lưng nằm trên cái bàn chông đó là người dân Ấn Độ oằn mình, quằn quại!

Các kiểu lỡm nói trên nếu mà xảy ra ở nước ta (nhà nước của dân, do dân và vì dân) thì tổng biên tập tờ báo đó sẽ bị kiểm điểm còn người vẽ biếm họa có khi còn bị đuổi việc! Ở Việt Nam đã từng có những cái lỡm (như Tú Xương, Tú Mỡ) còn mạnh hơn cả chính luận và làm cho người ta sớm khôn lên. Vậy nên, câu cửa miệng dân gian thường móc máy đám được ăn học mà không đến nơi đến chốn: chữ với chả nghĩa! Qủa chẳng sai.

“Mổ xẻ” việc lẩy Kiều 

Nếu “mổ xẻ” chuyện lẩy Kiều của các vị chính khách Mỹ cũng còn khối chuyện phải bàn. Bởi vì người ta cũng chỉ chọn vài câu hợp với hoàn cảnh khi tiếp đối tượng. Còn nội dung của cả đoạn thì lại vô tình hay hữu ý đã “bỏ” đi tùy vào nhận thức của người nghe.

Ví dụ : 2 câu mà Tổng thống Bill Clinton dẫn ra là lúc Thúc Sinh về quê, để Kiều ở lại một mình, bị bọn côn đồ bắt cóc đưa về nhà Hoạn Thư. Thúc Sinh trở lại thấy cảnh ấy nên Nguyễn Du tả :

“Lâm Tri từ thuở uyên bay
Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân
Mày ai trăng mới in ngần
Phấn thừa, hương cũ bội phần xót xa
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn đông đà sang xuân.
Tìm đâu cho thấy cố nhân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương,…”. 

Cả đoạn này chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton nối lại bang giao!?. Nhưng cái tài là người Mỹ cắt, lấy ra 2 câu thơ trong cả đoạn của Nguyễn Du làm biểu tượng :

“Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”  

Còn 2 câu thơ của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẩy Kiều:

“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” 

Đây là lúc nói về Kim-Kiều tái hợp. Có lẽ Cụ Nguyễn Du, theo truyền thống, truyện phải “có hậu” nên viết đoạn này thôi. Bởi vì đọc tiếp thì lại gặp: “Đổi tình cầm sắt hóa ra cầm cờ” lại không ăn nhập gì với nối lại quan hệ gần gũi giữa 2 nước!?

Cái hay, cái tài của các nhà lãnh đạo Mỹ là họ biết vận dụng lẩy Kiều vào hoàn cảnh thực tế như câu mà ông Clinton trích dẫn rất hợp với hoàn cảnh 2 nước cựu thù vừa bình thường hóa quan hệ: Quan hệ Việt – Mỹ hết mùa đông đã đến mùa xuân, như quy luật của cuộc sống. “Sầu dài ngày ngắn”: Không dễ quên quá khứ nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta.

Câu mà ông Biden trích dẫn cũng rất hợp với hoàn cảnh 2 nước đã phát triển rất tốt đẹp sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, điều mà 20 năm trước không thể hình dung được: Thật mừng là Ông Trời (theo cách nghĩ của người Việt Nam) hoặc Chúa Trời (theo cách nghĩ của người Mỹ) cho chúng ta có cơ hội gặp nhau hôm nay, thấy được thành quả của ngày hôm nay sau bao năm tháng thăng trầm. Những gì ngăn cách chúng ta đã được gỡ bỏ rồi, tương lai thật hứa hẹn.

Trong bài viết “Lãnh đạo Mỹ lẩy Kiều rất hóm hỉnh” tôi viết giá như ông Trọng nhạy bén thể hiện kiến thức văn hóa Việt đối lại bằng 2 câu thơ:

“Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần”.
 

Ngẫm suy, có thể chọn phương án khác bằng 2 câu dưới đây thể hiện sự phong phú của truyện Kiều:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”!
 

Lời kết
 

Qua việc các nhà lãnh đạo nước Mỹ “lẩy Kiều” khi gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam có thể thấy họ (hay đội ngũ giúp việc của họ) đã tìm hiểu khá kỹ văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng tỏ ra tự tin, nói không cần đọc mà vẫn đủ ý. Đó là điều đáng ghi nhận. Cũng có thể thông cảm với Tổng bí thư khi không thể đưa ra ngay những “vế đối” lấy từ nguyên Truyện Kiều. Bởi lẽ người ra vế đối chủ động hơn và bao giờ người đối lại cũng ở thế bị động, nhất là chưa quen thích ứng với việc ứng khẩu, ứng đối thì nhiều lúc cũng chỉ biết “cười trừ” mà thôi!

T.V.T
Tác giả gửi BVN