19 août 2015

Đìu hiu bảo tàng


Trong số hơn 120 bảo tàng của cả nước hiện nay, nhiều bảo tàng xây dựng tốn kém nhưng hoạt động không hiệu quả. Để tồn tại, một số nơi tính đến việc di dời bảo tàng hoặc mở thêm dịch vụ lưu trú, quán cà phê, ăn uống...

Khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kinh phí lên đến 2.300 tỉ đồng, lại nằm ở vị trí đắc địa rộng gần 54.000 m2 trên đường Phạm Hùng, Bảo tàng Hà Nội đáng lẽ phải là một trong những điểm đến của đông đảo người dân. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.



Buồn cho bảo tàng ngàn tỉ

Bảo tàng Hà Nội trong ngày 8-8 khá vắng lặng. Dù là ngày cuối tuần, nắng đẹp nhưng số du khách đến đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đi từ tầng 1 lên tầng 4, chúng tôi chỉ gặp khoảng 4-5 khách người Việt và vài người Hàn Quốc. Cả mặt sàn tầng 3 rộng đến vài ngàn mét không một bóng người, trừ nhân viên bảo vệ. Những hiện vật trưng bày tại tầng này dường như không thay đổi bao nhiêu. Vẫn là một số bình gốm cổ, đầu rồng có từ ngày bảo tàng khai trương hồi năm 2010. Phòng trưng bày tháng 10 Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô yên vị những bức ảnh, hiện vật suốt gần một năm qua.

Bảo tàng tỉnh Quảng Nam được xây dựng bề thế với tổng vốn đầu tư gần 90 tỉ đồng Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Chị Lan Yến - sống tại quận Thanh Xuân, một trong những vị khách hiếm hoi có mặt ở Bảo tàng Hà Nội - chia sẻ: “Tôi không nghĩ bảo tàng lớn mà lại vắng vẻ, đìu hiu như thế. Tôi cho con trai đến tham quan để cháu có thể hiểu hơn về lịch sử Hà Nội nhưng không ngờ chuyến thăm lại buồn tẻ như thế. Hiện vật rất sơ sài, lại chưa cân đối với không gian trưng bày nên không khai thác hết diện tích của công trình. Tôi tiếc vì đã bỏ cả buổi chiều đến đây mà thông tin thu được rất ít. Tìm hiểu trên mạng thậm chí còn thu được nhiều nội dung phong phú hơn”.

Một nhân viên bảo vệ của bảo tàng cho biết vào những ngày cuối tuần, có vài đoàn khách nước ngoài đến tham quan theo tour, riêng khách Việt, người dân thủ đô vào đây rất ít.

Vắng như... “chùa Bà Đanh”

Ngày cuối tuần, trong khi ở khu di tích Đại nội Huế khá đông du khách thì ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm kế bên chẳng có ai ra vào.

Cánh cổng lớn của bảo tàng khóa chặt, chỉ chừa cổng phụ cho ai muốn vào tham quan. Trong suốt buổi sáng 8-8, chỉ lác đác một vài khách vào xem các chiếc máy bay trưng bày ở ngoài sân bảo tàng, chẳng buồn vào bên trong.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có 4 bảo tàng thuộc sở hữu nhà nước và 2 nhà trưng bày của tư nhân. Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trung bình một bảo tàng có khoảng 100.000 -120.000 lượt khách tham quan mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón tiếp 56.163 lượt khách tham quan; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng đón khoảng 50.000 lượt khách... Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận lượng khách đến với bảo tàng như trên là quá ít, chưa đáp ứng mục tiêu cũng như kỳ vọng.

Nói về sự đìu hiu của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng bảo tàng này đang phải sử dụng mặt bằng của di tích Quốc Tử Giám làm nơi trưng bày. Mặc dù đã qua nhiều đợt sửa chữa, chỉnh lý trưng bày nhưng vì nhiều lý do khách quan, bảo tàng vẫn chưa bảo đảm tính chất, yêu cầu của một bảo tàng có khối lượng hiện vật lớn, dẫn đến hiệu quả hoạt động kém, ít người đến tham quan, tìm hiểu.

To bên ngoài, thiếu bên trong

Cuối tháng 3, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24.3.1975-24.3.2015). Bảo tàng này là công trình công cộng cấp 1, nhà 3 tầng, có tổng diện tích sàn xây dựng 7.322 m2, tổng kinh phí xây dựng gần 90 tỉ đồng.

Nằm trên khu đất “vàng” với mặt tiền đường Phan Bội Châu, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam hiện lên với vẻ bên ngoài hoành tráng. Tuy nhiên, do chưa hoàn chỉnh hệ thống nhà trưng bày, hiện vật ít nên hơn 4 tháng qua gần như rất ít người lui tới. Ông Nguyễn Nay, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, xác nhận từ khi khánh thành đến nay, bảo tàng chỉ đón khoảng 2.000 lượt khách.

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi (xây dựng năm 2007) cũng chung số phận hẩm hiu như thế dù nằm ngay khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi. “Lượng khách đến tham quan rất ít. Đôi khi cả tuần hoặc nửa tháng mới có một nhóm học sinh vào. Hoặc khi nào bảo tàng có tổ chức triển lãm hay sự kiện gì mới có khách. Còn những ngày bình thường, bảo tàng mở cửa đợi đến hết giờ rồi đóng cửa” - một nhân viên thuyết minh bảo tàng nói.

Ông Nguyễn Văn Kiếm, phụ huynh đưa học sinh đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét: “Hiện vật trong bảo tàng từ năm này qua năm khác vẫn không thay đổi, không có gì hấp dẫn nên ít khách là hiển nhiên”.

Ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận việc bảo tàng của tỉnh chưa thực sự phát huy hết hiệu quả như mong đợi một phần do tâm lý người dân không thích đến bảo tàng xem lại những hiện vật cũ”.

 

Điển hình cho sự lãng phí

Không phải đến bây giờ mà ngay sau khi Bảo tàng Hà Nội đi vào hoạt động, nó đã bị đánh giá là một điển hình cho sự lãng phí. Bảo tàng này được ví như cái nhà “rỗng” vì chỉ có vỏ mà không có ruột. Nhiều hiện vật trưng bày ở bảo tàng chỉ là sự tập hợp từ các cá nhân, doanh nghiệp, giống như gian trưng bày đồ cổ.

Dù đã đi vào hoạt động được gần 5 năm nhưng đến nay Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa có trang web thông tin. Một nhân viên của bảo tàng cho hay bảo tàng đang trong thời kỳ hoàn thành dự án trưng bày nên chưa bán vé vào cửa cũng chưa có điều kiện để lập trang web quảng bá. Y.Anh

 

H.L.ANH - TR.THƯỜNG - T.TRỰC - Q.NHẬT
 
Nguồn: Theo Người Lao Động