29 août 2015

Một bản án gây chấn động dư luận


LS Nguyễn Tấn Thi

H1
Thẩm phán NGUYỄN VĂN NHÂN, TAND tỉnh Bình Phước. Nguồn: internet
Chiều ngày 24/8/2015 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã luận tội và đề nghị án chung thân. Người giữ vị trí chủ tọa phiên tòa là một thẩm phán còn rất trẻ, thẩm phán Nguyễn Văn Nhân. Phán quyết này đang gây chấn động dư luận và là phán quyết, có thể nói là đầu tiên của nền tố tụng hình sự Việt Nam.

Theo Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, các thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa là một công chức dưới quyền của lãnh đạo tòa án, gồm có các phó chánh án và chánh án. Ngoài ra các thẩm phán cũng là một đảng viên, thuộc cấp ủy, được lãnh đạo của Bí thư đảng ủy, thường là Chánh án. Mà Bí thư đảng ủy tham gia đảng bộ địa phương thường không nằm trong thường vụ, lãnh đạo công an lại là người trong thường vụ của đảng bộ địa phương. Xét về vai trò, vị trí thì các vị chánh án không có tiếng nói bằng lãnh đạo ngành công an. 
Khi xét xử một vụ án, thường các thẩm phán phải thực hiện chế độ báo cáo án cho lãnh đạo tòa án để “thỉnh thị” đường lối xét xử. Đối với những vụ án hình sự và đặc biệt là những vụ án hình sự lớn trước khi truy tố và xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng gồm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thường họp với nhau để thống nhất đường lối xét xử, gọi là cơ chế phối hợp liên nghành. Đặc biệt là các vụ án bị khởi tố và truy tố với khung hình phạt cao.
Trong vụ làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn, nhiều người tiến hành tố tụng đã bị khởi tố, trong đó có cựu thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, người được dư luận và đồng nghiệp đánh giá là hiền lành trong sạch, một người cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Chiêm. Vị cựu thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm đã thốt lên đầy chua sót “không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của công an” khi biết mình bị khởi tố.
Vụ cựu thẩm phán Nguyễn Tuấn Chiêm bị khởi tố chắc chắn đã làm thức tỉnh đại bộ phận các thẩm phán, những người đã được Hiến pháp và pháp luật trao vào tay mình quyền nhân danh nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại phiên tòa. Thế nhưng buồn thay, ít thẩm phán nào có đủ can đảm, lòng tin để sử dụng thẩm quyền và trách nhiệm mà pháp luật giao cho mình.
Trong quá trình xét xử, nếu thấy chưa đủ căn cứ buộc tội, tòa án thường trao đổi với Viện kiểm sát để đề nghị làm rỏ các vấn đề liên quan và thường trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhiều trường hợp đã điều tra bổ sung nhưng không có gì mới, Viện kiểm sát vẫn truy tố thì tòa án phải đưa vụ án ra xét xử.
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định Tòa án từ chối đưa vụ án ra xét xử theo truy tố của Viện kiểm sát nhưng tòa án có quyền tuyên bị cáo không phạm tội nếu việc truy tố là không đủ cơ sở. Đây là quyền tối cao của tòa án hay nói cụ thể là của Hội đồng xét xử. Tuy vậy đáng tiếc rằng từ trước tới nay rất ít, có thể nói là rất hiếm có Hội đồng xét xử nào tuyên bị cáo không phạm tội khi bị Viện kiểm sát truy tố. Thông thường tòa án sẽ tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung chứ ít khi có đủ “can đảm” tuyên không phạm tội. Và khi tuyên trả hồ sơ điều tra lại thì việc tiếp tục hay đình chỉ việc giải quyết vụ án thuộc trách nhiệm của của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra, khi đó tòa an không còn trách nhiệm gì nữa. Những phán quyết này bị giới luật sư cho là những phán quyết thiếu can đảm và thiếu sự nhận thức về quyền lực của Hội đồng xét xử mà Hiếp pháp và pháp luật đã trao cho.
Nay có một thẩm phán trẻ, cùng Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã phá vỡ “lời nguyền” mà bấy lâu các thẩm phán và Hội đồng xét xử đã bị “trù yếm”. Niềm vui đang “vỡ òa”, pháo hoa đang tỏa sáng trên “bầu trời” tố tụng Việt Nam.
____
24/08/2015 21:42 GMT+7
TTO – Chiều 24-8, sau 3 ngày nghị án, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên vô tội, đồng thời trả tự do tại tòa đối với ông Nguyễn Văn Đồng (65 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Ông Nguyễn Văn Đồng vui mừng sau khi được trả tự do. Ảnh: Nhất Nguyên
Đây được xem là một quyết định bất ngờ và khá hi hữu khi trước đó, vào chiều 21-8, trong phần luận tội, ông Đồng bị Viện KSND Bình Phước đề nghị mức án chung thân về tội “giết người”.
Vụ án “giết người” của ông Đồng cũng được xem là một vụ “kỳ án” ở Bình Phước khi cả ba lần đưa ra xét xử trước đó tòa án đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng, vào 10g ngày 28-1-2013, ông Đồng đến nhà ông Trần A Ửng (50 tuổi, ngụ cùng xã Đức Liễu) chơi, sau đó tổ chức uống rượu và đánh bài ăn tiền. Lúc này vợ ông Ửng cùng một người con rời nhà đi mua đồ, trong nhà còn lại hai con ông Ửng: cháu Trần Ký Thảo (7 tuổi) và Trần Ký Cường (gần 3 tuổi).
Thấy con khóc nên ông Ửng ngưng đánh bài để dỗ con nhưng Đồng không chịu do đang bị thua tiền, từ đó cả hai xảy ra cự cãi.
Ông Đồng cầm gạch và khúc cây đánh ông Ửng làm rách da đầu, chảy máu. Sau khi bị đánh, ông Ửng đi ra ngồi cạnh giếng, cách nhà khoảng 11m thì ông Đồng xông tới đánh tiếp rồi đẩy xuống giếng. Gây án xong, ông Đồng lên xe đi về nhà.
Khi vợ ông Ửng về đến nhà thì phát hiện chồng đã tử vong dưới giếng.
Tại thời điểm xảy ra án mạng, có một cặp vợ chồng đi làm rẫy, đến vườn cao su gần nhà ông Ửng thì thấy ông Đồng chạy xe máy ngược chiều. Chạy đến gần nhà ông Ửng thì thấy hai con ông Ửng đang khóc.
Từ chứng cứ thu thập và lời khai của một số người liên quan, ngày 29-1-2013, Đồng bị công an bắt khẩn cấp sau đó bị khởi tố và truy tố về tội giết người.
Tại các phiên tòa, đại diện Viện KSND Bình Phước vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội bị cáo Đồng và đề nghị mức án chung thân. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng nhân chứng duy nhất trực tiếp trong vụ án là cháu Trần Ký Thảo. Cháu Thảo là người chứng kiến vụ án và xác nhận hung thủ gây án là ông Đồng.
Viện kiểm sát khẳng định quá trình điều tra, truy tố hoàn toàn khách quan, chứng cứ thu thập được hoàn toàn phù hợp với diễn biến của vụ án. Cháu Thảo tuy còn nhỏ nhưng khi tiến hành thực nghiệm hiện trường cháu vẫn chỉ đúng vị trí mà bị cáo Đồng gây án. Ngoài ra trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, lời khai của nhân chứng phù hợp với hiện trường, thời điểm xảy ra án mạng. Việc truy tố bị cáo Đồng về tội giết người là đúng người, đúng tội.
Trong khi đó, ông Đồng một mực kêu oan, không đồng ý bản cáo trạng. Trong quá trình điều tra ông Đồng cũng không thừa nhận mình đánh và đẩy ông Ửng xuống giếng. Ông Đồng cho rằng giữa hai người không hề có mâu thuẫn hay cãi cọ gì và cũng không có động cơ để giết ông Ửng.
Ông Đồng nói giữa ông và ông Ửng nhận nhau là anh em kết nghĩa, điều này ai cũng biết. Hôm đó ông đến nhà ông Ửng chơi, sau khi hai người uống rượu thì có đem bộ bài ra chơi với nhau, chơi xong cả hai còn ăn cháo rồi ông Đồng mới ra về. Khi ra về ông còn thấy ông Ửng bế cháu Cường trên tay còn cháu Thảo đu trên cổ ông Ửng.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng trong quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan chức năng đã vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng. Các chứng cứ, lời khai đều mâu thuẫn, không rõ ràng, thiếu cơ sở buộc tội đối với ông Đồng. Các tang chứng, vật chứng không thể hiện việc đã được niêm phong. Việc giám định dấu vân tay cũng không được tiến hành và không có văn bản.
Ngoài ra các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ để buộc tội bị cáo. Do đó hội đồng xét xử đã tuyên ông Nguyễn Văn Đồng vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Hội đồng xét xử cũng yêu cầu các cơ quan liên quan bồi thường mọi tổn thất về vật chất, tinh thần, đồng thời khôi phục danh dự cho ông Đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Nhất Nguyên/Tuổi Trẻ
___