11 novembre 2015

Cho giặc khua mép ở 'Diên Hồng' - lỗi tại ai?



Gs. Chu Hảo
Kính gửi các ĐBQH: Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Dương Trung Quốc, Trần Du Lịch, Lê Nam … 

Và các vị khác được các tầng lớp xã hội dân sự và doanh nhân tín nhiệm. 

 


 
Thưa quý vị, 

Là một cử tri luôn quan tâm đến các hoạt động của Quốc hội, tôi xin chất vấn quý vị những điều sau đây, và mong được hồi âm trên công luận.
 
1. Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta? 

2. Nếu không ngăn chăn được như đã thấy thì vì sao quý vị không thể bày tỏ thái độ cần có của một ĐBQH của nhân dân, tối thiểu bằng cách bỏ ra ngoài không tham dự, hoặc tham dự và chất vấn trực tiếp dù Chủ tịch đoàn phiên họp cho phép hay không?

3. Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại Phòng họp mang tên Diên Hồng- biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?

4. Sau hết, các vị có thể công khai bày tỏ thái độ của mình đối với bài phát biểu lươn lẹo , thâm độc và ngang ngược của Tập Cận Bình tại phòng Diên Hồng, và sau đó một ngày tại Singapore, để chúng tôi được hy vọng tiếp tục đặt niềm tin vào quý vị, những đại biểu hiếm hoi đã từng dám tự do biểu đạt chính kiến của mình trong một Quốc Hôi thiếu dân chủ, không thật sự do nhân dân tự nguyện bầu ra này.

Xin quý vị hãy lên tiếng! 

Trân trọng cám ơn! 

Chu HảoHà Nội (Tễublog/TTHN)

 

-------------
Đại biểu Quốc hội nhận xét phát biểu 

của ông Tập Cận Bình
 




Một số đại biểu Quốc hội đã có những nhận xét về bài phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam sáng 6/11, khi trao đổi với báo chí.

* Chia sẻ lời đáp từ

/Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông/

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không có gì mới mẻ, đều là những chính sách phía Việt Nam đã biết rồi, nhưng quan trọng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình phát biểu ở Quốc hội Việt Nam. 

Ông Tập khi phát biểu có nói là “tôi thay mặt cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc”. Quốc hội vừa là thiết chế nhà nước vừa là cơ quan dân cử, cho nên cũng có thể là lời phát biểu của ông Tập qua Quốc hội nhắn nhủ với nhân dân Việt Nam những chính sách lớn của Trung Quốc.

Dù đều là chính sách cũ, nhắc lại tinh thần 16 chữ vàng và 4 tốt, có thể ông ấy không dùng trực tiếp mấy chữ đó, nhưng thực chất là vậy, song dù sao đi nữa bài phát biểu cũng thể hiện cố gắng thúc đẩy hơn quan hệ với Việt Nam và kiểm soát những bất đồng. 

Đó là những cái lớn, những cái đó thì phía Việt  Nam cũng rất là mong muốn. Điều quan trọng là trên thực tế diễn ra thế nào.

Tôi chia sẻ ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong bài phát biểu đáp từ, khi mà Chủ tịch nói là đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận cấp cao. Trong một số chuyện xảy ra gần đây, phía Việt Nam phải nói rất rõ là đề nghị phải xử lý bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận cấp cao.

 

* Nói rất hay, nhưng...
/Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)/

Bài phát biểu của ông Tập rất hay, nhưng nói hay có làm được không? Sự có mặt của một nguyên thủ quốc gia trong Quốc hội Việt Nam lẽ thường là sự kiện có ý nghĩa nhưng rõ ràng nó lại rơi vào một thời điểm, hoàn cảnh mà người dân rất quan tâm, và họ luôn có tâm thế so sánh giữa những gì của lời nói và những gì đang diễn ra.

Có một câu mà ông ấy nhắc đến là chúng ta có vận mệnh chung. Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ nhân loại có vận mệnh chung chứ quốc gia thì không. Mỗi quốc gia có vận mệnh của mình và làm chủ điều đó. 

Tất nhiên trong mối quan hệ chung, chúng ta cần tôn trọng lợi ích chung. Chúng ta cần tuân thủ những cam kết chung.

* Nghe lại những lời cũ

/Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Định)/

Thực ra, chúng tôi rất hy vọng nghe những lời nói rất chân tình, thể hiện tình cảm, tình đồng chí giữa những người cộng sản, những người láng giềng, anh em có mối quan hệ lâu năm, và mối quan hệ này cũng không bao giờ bỏ được là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy hơi tiếc. Bởi, chúng tôi vẫn nghe lại những lời cũ, gần như không có gì mới, vẫn là chủ trương 16 chữ vàng, 4 tốt, trong đó có đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt, cũng như có những phân tích rõ ràng thêm một chút những nội dung mà chúng ta đã được theo dõi từ lâu ở các cuộc gặp gỡ giữa hai bên.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhiều lần nói là Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam làm việc này, Trung Quốc cùng Việt Nam làm việc kia... nhưng mà ông cũng chỉ nhấn mạnh, chúng ta quan tâm đại cục, bỏ qua tiểu tiết, khi giải quyết được đại cục thì những tiểu cục tự nhiên sẽ chuyển. 

Họ nói là nhỏ nhưng với dân tộc Việt Nam không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng, to lớn đối với người dân Việt Nam chúng ta. Đấy là những điều chúng ta rất băn khoăn. 

Lẽ ra, chúng tôi rất muốn nghe những điều ví như từ giờ trở đi Trung Quốc đối xử với ngư dân Việt Nam trên vùng biển mà ta tạm gọi là đang có sự tranh chấp ấy như thế nào.

Và rằng họ dừng việc này, việc kia mà chúng ta đang băn khoăn..., thì đấy là điều chúng tôi rất muốn nghe. Tuy nhiên, bài phát biểu chỉ dừng ở mức độ chung chung, có tính chất ngoại giao.

Không khí đón tiếp của Quốc hội cũng rất ngoại giao. Có những đại biểu tâm sự là chờ đợi, hy vọng những điều rất tốt, những lời lẽ, mỹ từ đưa lên tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam phải biến thành các hoạt động, việc làm thực tế của phía bạn, chứ không phải chỉ nhắc lại cho đầy đủ.

Ông Tập nhiều lần nhắc lại những câu thơ mà người Việt Nam chúng ta cũng thuộc từ rất lâu, những bài thơ, câu thơ về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Những câu thơ như thế được nhắc lại, cá nhân tôi cũng rất bồi hồi, xúc động nhưng thực ra có lẽ, những gì đã xảy ra trong những năm vừa qua nó làm lấn át đi những cái lẽ ra trở thành niềm vui, khi một quốc gia, người bạn lớn mà từ xưa đến nay, chúng ta vẫn coi như thế đến với chúng ta.

Nguyễn Vũ/VnEc