18 novembre 2015

SỨ QUÁN MỸ RẤT QUAN TÂM ĐẾN VỤ ÁN BA SÀM

Chiều 17/11/2015, ông David V. Muehlke, Bí thư Thứ nhất phụ trách chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đã gặp bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Ba Sàm), để thăm hỏi và trao đổi thông tin về vụ án Ba Sàm.

Bà Hà cho Sứ quán Mỹ biết, đây là một vụ án có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cũng như các vi phạm nhân quyền. Ông Vinh bị bắt ngày 5/5/2014, nhưng mãi tới tháng 11/2014, nghĩa là nửa năm sau, gia đình mới được thăm gặp ông lần đầu. Từ đó đến nay đã 18 tháng, gia đình cũng chỉ được gặp ông Vinh 5 lần, lần nào cũng là nói qua điện thoại cách hai lần cửa kính, với sự hiện diện của 3-4 quản giáo và cán bộ điều tra, bắt phải cam kết : không được nói chuyện gì khác ngoài chuyện gia đình.


Vào lần gặp gần đây nhất hôm 26/10, bà Hà hết sức lo lắng khi thấy ông Vinh có nhiều dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. Trên da ông nổi nhiều đám đỏ và được biết đã hơn 17 tháng không được tiếp xúc với ánh mặt trời. Bác sĩ của trại chỉ vào thăm một lần, đưa thuốc, rồi... không trở lại.
Bà Hà cho biết thêm, ông Vinh từng soạn một kiến nghị 24 trang và một bản tự bào chữa 46 trang, nhưng trại giữ lại, không chuyển ra ngoài. Từ tháng 7/2015 đến nay, trại cũng không cho ông viết kến nghị, thư cho gia đình, không cho nhận sách (về tôn giáo, âm nhạc...), thậm chí không cho ông nhận ảnh gia đình.
Nghiêm trọng nhất là, theo bà Hà, ông Vinh đang bị giam giữ trái pháp luật, bởi cơ quan điều tra đã không chứng minh được ông phạm tội gì. Các luật sư đã có rất nhiều kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trả tự do cho ông. Suốt 18 tháng, ông yêu cầu cơ quan phải đưa ra chứng cứ buộc tội.
Theo luật pháp Việt Nam, tội 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) thuộc nhóm tội nghiêm trọng, đòi hỏi phải có hậu quả. Nhưng trong trường hợp của Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh, cơ quan điều tra không có bằng chứng, cũng không có lời khai nhận tội, không có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào kiện tụng, không chứng minh được tội trạng gì; do đó việc giam giữ ông là vi phạm nhân quyền và trái pháp luật.
Về phía Đại sứ quán Mỹ, ông David V. Muehlke chia sẻ với bà Hà, cho biết ngay từ khi vụ án diễn ra, Quốc hội, Chính phủ, Đại sứ quán Mỹ đều rất quan tâm và đã đưa ra yêu cầu được giám sát các hoat động tố tụng, nếu phiên tòa diễn ra sẽ tham dự. Tuy nhiên, họ chưa nhận được trả lời từ các cấp có thẩm quyền phía Việt Nam. Các nhà ngoại giao của sứ quán cũng vẫn tiếp tục yêu cầu tham dự phiên tòa xét xử Ba Sàm.
Trên thực tế, hiện đã có thượng nghị sĩ Đức và một số đại sứ quán phương Tây gửi thư đến các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ, cơ quan ngoại giao, cơ quan tư pháp của Việt Nam đề nghị được tham dự và quan sát phiên tòa.