19 novembre 2015

Thủ tướng trả lời chất vấn quốc hội: Hỏi thẳng, trả lời cong


Ngọc Hạ


Kỳ chất vấn và trả lời chất vấn mang tính chất tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, dù được đánh giá đổi mới về hình thức, và được Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng xác định: "Mục đích chất vấn không phải làm căng thẳng vấn đề mà nhìn thẳng sự thật để giải quyết vấn đề cho tốt; để cử tri thấy được hoạt động này rất thiết thực, đem lại kết quả nhìn thấy rõ. Đây là phiên họp được đồng bào, cử tri chờ đợi, là dịp nhìn lại cả nhiệm kỳ". Tuy nhiên, nhiều trả lời chất vấn từ các lãnh đạo, tư lệnh ban ngành chưa được như kỳ vọng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng 18/11
Một trong những người được trông đợi trả lời chất vấn nhất là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề chủ quyền Biển Đông - vốn được xem là nóng nhất trong thời gian qua, và được nhiều cử tri quan tâm.



Hỏi thẳng, trả lời cong

Trước những câu hỏi từ đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) về chủ trương và giải pháp của Chính phủ "trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông"; cũng như "việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư". Hay câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) về vấn đề kiện đòi lãnh thổ trong bối cảnh Việt Nam hay vay vốn ODA của Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "không đi thẳng vào vấn đề" mà hồi đáp bằng những luận điểm chung chung, trong đó nhấn mạnh 3 điểm:

- Một là, Việt Nam chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực.

- Hai là, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ độc lập lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương Liên hợp quốc,...

- Ba là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phải tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta.

Và người đứng đầu Chính phủ đã tổng kết, việc "Gìn giữ hoà bình, ổn định để tạo môi trường và kiều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta".

Luận điểm "đại cục" vẫn chi phối

Với việc nhấn mạnh đến hai lần quan điểm, "Chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực". Nhiều người có thể liên tưởng đến câu thơ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc trước Quốc Hội Việt Nam: "Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu, vạn lý dư đồ cố miện gian".

Sự cố gắng tránh những va vấp tiểu sự vì thống nhất "đại sự" trong tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, tạo môi trường thuận lợi xây dựng và bảo vệ Việt Nam XHCN. Và chính vì thế, "giải pháp, chủ trương" lại không được đưa ra, mà chỉ có sự cam kết nhấn mạnh về lòng hữu nghị, và quan điểm chung về bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Điều này có gây bất ngờ không? Có - nếu nó được so sánh với câu trả lời phỏng vấn của Thủ tướng trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vào tháng 5/2014, khi đó, ông cho biết, Việt Nam để ngỏ giải pháp đối đầu quân sự, và nhấn mạnh sự kiềm chế từ phía Việt Nam cũng như, tố cáo Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.

Và một trong những luận điểm quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất của ông là khi ông nhấn mạnh chủ trương, "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".

Đồng thời đưa ra hẳn giải pháp, "đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".

Có thể nói, vào thời điểm đó, quan điểm này được người dân và công luận trong ngoài nước đánh giá rất cao, thậm chí trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) còn cho biết, tuyên bố của Thủ tướng hoàn toàn khác biệt về chất lượng so với các phát biểu của ông từ trước tới nay. Nội hàm câu chữ trong đó mang tính quyết định rất rõ ràng về bảo vệ chủ quyền và đã đi vào hành động cụ thể chứ không còn đơn thuần là lời nói nữa. Và ông tin rằng, "những phát ngôn của Thủ tướng đã được thống nhất trong hàng ngũ lãnh đạo và mong muốn sắp tới Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ có tuyên bố, nghị quyết mạnh mẽ hơn so với thông cáo vừa phát đi".

Đến tháng 10, trong chuyến thăm CHLB Đức, ông để ngỏ chủ trương "kiện Trung Quốc" qua câu: "Tôi cho rằng biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, tiến bộ mà cả thế giới, cả nhân loại đều ủng hộ."

Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng tại đó, 6 tháng sau (11/2014), trong phiên chất vấn, trả lời ĐB Thích Thanh Quyết về quan điểm của ông đối với vấn đề biến Đông và Trung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn đề cập đến chủ trương, biện pháp rõ ràng với Trung Quốc, mà quay về với những câu chữ, nội hàm rất chung – như đặc tính trong biểu hiện ngoại giao hàng thập kỷ qua, trong đó người đứng đầu Chính phủ nhắc lại việc "thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm '16 chữ' và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai nước. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng về vấn đề biên giới và trên biển theo luật pháp quốc tế."

Tinh thần hữu nghị với người láng giềng phương Bắc là điều tất yếu, nhưng việc nhấn mạnh hai lần quan điểm, "chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực" của người đứng đầu Chính phủ, đã cho thấy chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình về mặt "đại sự" đã thành công, và việc khép lại với tinh thần xây dựng và bảo vệ XHCN càng cho thấy bản chất thực sự đằng sau "sự chân thành hữu nghị" đó.

Điều này khiến cho kỳ vọng của một số ĐBQH và cử tri về việc, sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông trở nên hoài vọng. 


Và nhiệm kỳ Quốc Hội khóa XIII, khép lại, với món nợ về Nghị quyết Biển Đông cùng với sự thiếu rõ ràng và nhất quán của phía Chính phủ về vấn đề này, nếu đặt trong câu nói trong lần mở màn kỳ chất vấn của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, thì rõ ràng nó đã không nhìn thẳng sự thật để giải quyết vấn đề. Và những gì diễn ra trong sáng ngày 18/11 với câu trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, lại làm lo ngại cho sự tiếp diễn "món nợ" trong nhiệm kỳ Quốc Hội khóa sau.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền trong sự không kiên quyết và rõ ràng về chủ trương, giải pháp đã tạo một cái vòng luẩn quẩn của lãnh đạo Việt Nam trong giải quyết hài hòa mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền lãnh hải trước sự quyết đoán về mặt lãnh thổ ngày càng lớn từ phía Bắc Kinh
.

Nguồn : VNTB