28 novembre 2015

Trung Quốc không có sức hút nào ngoài "con bài" kinh tế



Rất yếu về quyền lực mềm, ngoài “con bài” kinh tế, Trung Quốc không có “sức hút” nào hết. Và họ cũng không thể kéo được dư luận về phía mình”, GS. Bonnie Glaser- Cố vấn cao cấp Châu Á, trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) bình luận trong cuộc trò chuyện riêng với Tuần Việt Nam.

 

Thưa GS. Bonnie, tòa án trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết tòa này có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông, GS nghĩ thế nào về phán quyết này và nó sẽ tác động gì với các quốc gia khác ví dụ Việt Nam?
GS. Bonnie Glaser: Quyết định của tòa thụ lý vụ kiện và nghe cáo trạng về tất cả các vấn đề là một “cú giáng mạnh” đối với Trung Quốc và là chiến thắng đối với tất cả các nước cho rằng mọi tranh chấp trên biển phải được xét xử tại các tòa án quốc tế khi biện pháp ngoại giao không thể giúp hóa giải vấn đề.
Thực tế này có thể gây sức ép, khiến Việt Nam cũng phải tiến hành thủ tục khiếu kiện của mình.
Nếu các nước khác đâm đơn kiện cho rằng Trung Quốc đe dọa trái phép ngư dân nước mình và tìm cách áp đặt quyền tài phán dựa trên yêu sách “đường chín đoạn”, thì việc này sẽ làm gia tăng khả năng Trung Quốc sẽ buộc phải xem lại chính sách và cách tiếp cận của mình trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông với các nước láng giềng.
GS Bonnie Glaser. Ảnh: vnsea.net
Như GS biết, Việt Nam và Philippines đã ký quan hệ hệ đối tác chiến lược. Điều này có ý nghĩa gì trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh tại Biển Đông?

GS. Bonnie Glaser: Thỏa thuận giữa Việt Nam và Philippines là một bước đi rất tích cực, vì lợi ích của cả hai nước, giúp tăng cường hợp tác và là dấu hiệu để Trung Quốc thấy rằng nếu họ tiếp tục theo đuổi các chính sách hiện nay sẽ có thể khiến các nước khác liên kết lại.
Nếu Trung Quốc có ý định sử dụng vũ lực, điều đó thậm chí có thể buộc các nước đó cùng chung sức chống lại.
 
Theo GS thì, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới các nước Đông Nam Á sẽ có tác động tới hình ảnh và vị thế của Trung Quốc như thế nào?

GS. Bonnie Glaser: Trung Quốc đã thừa nhận rằng chính sách của họ tại Biển Đông khiến căng thẳng leo thang trong quan hệ với các nước láng giềng. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới các nước Đông Nam Á nhằm trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc dưới dạng các tuyên bố chính trị và những “củ cà rốt” kinh tế.
Ông Tập đã nhắc lại đề nghị thành lập Cộng đồng Trung Quốc – ASEAN chung vận mệnh và thúc đẩy thành lập Cộng đồng ASEAN chung vận mệnh. Trung Quốc muốn có hình ảnh một nước láng giềng hòa hữu, nhưng các hành động của họ tại Biển Đông đi ngược lại những cam kết này.
 
Nhiều người cảnh báo Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp “quyền lực mềm” để vận động hậu trường giới học giả quốc tế và bóp méo dư luận quốc tế. GS bình luận gì về điều này?

GS. Bonnie Glaser: Trung Quốc rất yếu về quyền lực mềm. Định nghĩa quyền lực mềm của Joseph Nye là “khả năng có được cái bạn muốn thông qua sự thu hút hơn là ép buộc hay thưởng phạt”.
Ngoài “con bài” kinh tế, Trung Quốc không có “sức hút” nào hết.
Tôi không nghĩ Trung Quốc thành công trong việc kéo được dư luận về phía mình.
 
Giới quan sát đã chỉ ra rằng, giới học giả Trung Quốc chủ động tham gia các hội thảo quốc tế về các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo thường đông áp đảo. GS có thấy thế không?

GS. Bonnie Glaser: Còn tùy vào chủ đề cuộc hội thảo. Thường thì các học giả Việt Nam tham dự các hội thảo về các vấn đề hàng hải châu Á.
Nhưng đúng là giới học giả Trung Quốc thường tham dự mọi cuộc hội thảo quốc tế.
 
GS có gợi ý gì với các nước nhỏ, bảo vệ được chủ quyền lãnh hải của mình trước tham vọng của các nước lớn?

GS. Bonnie Glaser: Các nước nhỏ nên liên kết lại, đưa ra các tuyên bố chung, tiến hành tập trận chung, cùng tham gia các vụ kiện tại các tòa án quốc tế.
Họ cũng có thể phát triển các chiến lược chung trước các hội nghị đa phương và tại PCA vào năm tới. Và cũng có thể cùng phối hợp với các nước lớn khác.

 
Lan Anh thực hiện
 
Nguồn: Theo VietNamNet