15 juillet 2016

Liên hệ giữa Muhammad và Formosa






Lê Thiếu Nhơn
Lê Khắc Tài

H1


Đọc kinh Koran đã lâu vì tò mò nhớ lại vẫn còn thấy sợ trước ngài Muhammad. Với chủ nghĩa cực đoan, chỉ có mình là đại diện cho điều thiện, nhân danh thượng đế giết – giết – giết sạch những ai không giống mình. Nhưng cũng có lắm thú vị. Thí dụ nói về ngày tận thế quan điểm của ba tôn giáo lớn trong kinh sách. Đạo Thiên Chúa cho đó là ngày phán xét cuối cùng thiên nhiên nổi giận trời đất nổ tung.

Đức Phật không nói về ngày tận thế mà nói về ngày đạo Phật suy tàn. Đó là cái ngày đứa không có học, không tu lại ngồi ghế nhất lại lên bục giảng pháp cho những thượng tọa những bậc chân tu ngồi bên dưới nghe. Riêng đạo Hồi cái ngày đứa đi chân đất nằm dưới đất được mang giày, ngồi trên xe, ngủ giường nệm, ăn ngon đấy là dấu hiệu báo ngày tận thế.

Trong kinh Koran thấy Muhammad còn dạy về gìn giữ môi trường – đừng phóng uế xuống dòng sông vì nước đó các ngươi sẽ uống. Đừng phóng uế vào bụi rậm vì nơi đó thần linh thường ẩn nấp. Tình cờ lời dạy giống lời nhân gian. Lúc tôi còn nhỏ nhớ mẹ tôi có dạy chớ đụng đâu đái đó nhất là chỗ bụi rậm hay có rắn rít ma quỷ. Lời dạy đúng, nhưng vui mắc cười vì không chỉ chỗ cho người phóng uế ở đâu.

Chợt nhớ đến trường hợp formosa đổ chất thải xuống biển cá nó chết. Đem lên bờ chôn cũng không được gì có tác hại đến môi trường xung quanh. Vậy chất thải đó đổ ở đâu, đứa lúc cấp giấy phép không chỉ ra nên sự sanh, sanh sự. Chẳng lẽ đã lỡ gây nên chuyện lại không biết cách kết thúc để rồi chuyện nó kéo dài.

____

BBC
‘Sẽ xử nghiêm’ vụ chôn chất thải Formosa

14-7-2016

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: internet

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần “sai tới đâu xử lý nghiêm tới đó” nếu có đủ chứng cứ về việc chôn lấp chất thải của Formosa vi phạm pháp luật.

“Trong việc này, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại phải được cơ quan quản lý Trung ương cấp phép nếu chất thải đó thải ra đi nhiều tỉnh.

“Còn nếu chỉ xử lý ở địa phương thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Thế nên bây giờ phải kiểm tra xem chất thải đó là chất thải gì,” ông Trần Hồng Hà được truyền thông trong nước dẫn lời.

“Trong việc xử phạt doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giải quyết sự việc này

Bộ Tài nguyên Môi trường tại Việt Nam trước đó yêu cầu kiểm tra vụ 100 tấn chất thải từ nhà máy Formosa được chôn trong một trang trại.

Nhiều báo tại Việt Nam tường thuật và đăng ảnh những túi chất thải màu đen, được đưa vào trang trại của chủ là ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh, tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ tài nguyên môi trường kiểm tra việc chôn rác thải này của Formosa.

Nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh vừa bị kết luận xả thải làm cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam. Ảnh: Hoang Dinh Nam/ AFP/ Getty

Trang web Chính phủ Việt Nam cho biết: “Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin nêu trên. Trường hợp đúng sự thật phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.”

Nói với BBC Tiếng Việt, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Trị nói nguyên nhân họ biết sự việc là “Người dân ở khu vực đó phản ánh, nên sở đi kiểm tra. Khi kiểm tra thì sở thấy phản ánh của người dân là đúng”.

Nhiều hình ảnh cho thấy chất thải màu đen được máy xúc cào đất lên chôn lấp.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chánh thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường xác nhận “phát hiện khoảng 100 tấn chất thải của Formosa được chôn lấp dưới lòng đất”.
‘Sai quy định’

Ông Võ Tá Đinh nhận định: “Chất thải này là chất cặn của các quá trình xử lý, gọi là bùn thải. Trong hoạt động của Formosa có thải ra bùn thải này. Tuy nhiên việc Formosa hợp đồng với các đơn vị xử lý này không đúng quy định cho nên mới xảy ra việc này”.

Khi được hỏi để xảy ra sự việc lớn như vậy, liệu người dân có nghi ngờ năng lực của cơ quan quản lý môi trường, ông Đinh cho biết: “Trong luật pháp có quy định rõ, Sở Tài nguyên Môi trường cũng đã có văn bản những đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý chất thải này, và có những đơn vị không có chức năng vận chuyển xử lý. Việc công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi tường đô thị Kỳ Anh không có chức năng xử lý cái này, đơn vị làm như vậy là sai quy định.”

Ông Đinh xác nhận cơ quan này đã “đưa mẫu này ra Viện công nghệ môi trường để phân tích. Theo ý kiến của Viện Công nghệ Môi trường thì khoảng đến Thứ Sáu [15/7] là có kết quả.”

“Trước khi xử lý chất thải, công ty phải xác định đây là chất thải sinh hoạt hay chất thải công nghiệp. Đương nhiên cái này phát sinh từ nhà máy thì phải đem đi xử lý, nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật.

Một người Việt Nam giơ cao tấm ảnh cá chết trong cuộc biểu tình ở Đài Loan hôm 18/6. Ảnh: Sam Yeh/ AFP/ Getty

“Qua việc này, Sở Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu Formosa hai việc: Một là phải hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý loại chất thải này. Hai là khi triển khai xử lý thì phải báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường để kiểm giám sát việc này.”

“Công ty làm vậy là sai quy định.”

“Đơn vị hợp đồng với họ cũng đã không thực hiện đúng quy định,” ông Đinh nói về Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh.
‘Không nguy hại’?

Trong khi đó, ông Lê Quang Hòa, giám đốc Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh, sở hữu trang trại làm nơi đổ chất thải đã trả lời báo chí tại Việt Nam chiều 12/7.

Ông nói “Đây là chất thải thông thường” và “hợp đồng khẳng định đây là chất thải không gây bất cứ nguy hại nào”.

“Chúng tôi chở về xử lý nhưng có một trang trại xin về để trồng cỏ và chuối. Ở miền Nam người dân vẫn xin chất thải này để trồng cây cao su,” ông Hòa nói với phóng viên trong cuộc gặp đông đảo báo chí.

Giá chôn lấp chất thải này được ông Hòa nói là 800đ/kg.

Người dân tại Miền Trung biểu tình sau thảm họa cá chết và bị trấn áp. Ảnh: FB

Formosa là công ty vừa bị kết luận xả thải ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016.

Thảm họa môi trường cá chết đã khiến nhiều người dân xuống đường biểu tình trong suốt hai tháng dài trước khi chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân gây ra sự việc.

Nhiều ngư dân bốn tỉnh miền Trung không thể đánh bắt cá, hoặc phải bán cá với giá rẻ khi lên bờ do người mua lo ngại cá nhiễm độc.

____

Mời xem thêm: Chất thải của Formosa đổ trái phép nhiều nơi ở Hà Tĩnh (Zing). – Chất thải từ nhà máy Formosa được chôn lấp ở nhiều nơi (24h). – Chất thải của Formosa chôn trong bãi rác khu du lịch Thiên Cầm (VNE). – Khai quật toàn bộ chất thải Formosa chôn ở trang trại (VNN). – 160 tấn chất thải của Formosa đang mất tích (Zing). – Vụ đổ thải Formosa: Chúng tôi lo đời con, đời cháu ảnh hưởng! (Soha).