15 septembre 2016

Bàn về hiện tượng Người Buôn Gió và nhận thức của người ủng hộ Dân chủ

Kami

Kết quả hình ảnh cho Bùi Thanh Hiếu và Trịnh Xuân Thanh

Một vấn đề nóng mà dư luận xã hội đang rất quan tâm trong lúc này là vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, một nạn nhân được dùng như một con vật tế thần trong cuộc chiến giành quyền lực trong nội bộ ban lãnh đạo của Đảng CSVN, đã chủ động xin ra khỏi đảng. Thậm chí ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, vì sợ lo sự an toàn tính mạng của mình và đã công khai tuyên bố “tiếp tục đứng ra đối đầu với Nguyễn Phú Trọng." theo lời của blogger Người Buôn Gió.
Phải thừa nhận, loạt 11 bài "Trịnh Xuân Thanh Dê tế thần" blogger Người Buôn Gió vừa qua trở thành tâm điểm của dư luận, nhờ nó người ta quên phắt đi chuyện Án mạng ở Yên Bái, thậm chí cả Forrmosa Hà Tĩnh. Nói thế để thấy blogger Người Buôn Gió là một cây bút có uy lực hàng top ten hiện nay.


Tranh cãi


Có một vài ý kiến phản bác, thậm chí chỉ trích blogger Người Buôn Gió xung quanh vụ việc này, đặc biệt họ không đồng tình là việc anh ta đã "bốc thơm" nghi can Trịnh Xuân Thanh trở thành người hùng. Tôi thì không đồng tình với sự phê phán này, nhất là trong điều kiện ông Trịnh Xuân Thanh mới chỉ là nghi can, chứ chưa trở thành tội phạm khi chưa có phá quyết của Tòa Án. Nói vậy chứ, song với các tội lỗi của ông Trịnh Xuân Thanh ở trong việc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) lỗ 3.500 tỷ đồng cũng việc ông ta như thao túng Công ty Bia Halico thì quá đủ để ... không thể chấp nhận giúp đỡ được.


Trước hết cần phải khẳng định, quyền tự do biểu đạt ý kiến, chính kiến hay nói rộng hơn việc nhận định, đánh giá cũng như bình luận là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên điều đó phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp, chuẩn mực đạo đức, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Điều đó cho thấy, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt cũng có giới hạn nhất định. Nghĩa là bạn không cho phép bạn cổ vũ bạo lực, giết chóc hay cổ súy việc bài xích tôn giáo, hay cổ động cho việc phá vỡ nền tảng của luân thường đạo lý v.v... như thế là đủ.


Song việc trong bài mới nhất, blogger Người Buôn Gió cho rằng "Trịnh Xuân Thanh vừa gửi hôm qua một lá đơn đến Bộ Chính Trị yêu cầu mở cuộc xét xử công bằng về tội của anh ta. Thanh sẵn sàng chịu xuất hiện khi có phiên toà xét xử anh ta vụ thất thoát 3000 tỷ, nhưng phải có những luật sư, nhà báo, đại diện nhân quyền quôc tế...anh ta sẽ về đứng trước phiên toà." đã cho thấy blogger Người Buôn Gió hết sức nhẹ dạ cả tin. Vì nghi can Trịnh Xuân Thanh là ai, dựa vào cái gì để ra cái điều kiện "láu cá" mà chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra, đó là "phải có những luật sư, nhà báo, đại diện nhân quyền quôc tế...". Điều có ngủ mơ cũng không thấy trong chế độ Cộng sản.


Phải chăng, Trịnh Xuân Thanh đã có tình qua mặt và lợi dụng sự cả tin blogger Người Buôn Gió, để PR cho cá nhân mình mà Người Buôn Gió không biết? Quan chức Việt Nam thời nay chỉ có tiền, làm gì có chuyện tình nghĩa, một khi triết lý sống của họ như thế thì chuyện qua cầu rút ván là chuyện bình thường.


Cuộc chiến lôi kéo sự ủng hộ của quần chúng.



Trong một xã hội khi thông tin, đặc biệt là thông tin về chính trị đã bị bưng bít như ở Việt Nam hiện nay, khi mà các thông tin đều bị định hướng theo hướng có lợi cho chính quyền và những thông tin bị coi là "nhạy cảm" nhanh chóng biến mất khi bị tuyên giáo tuýt còi. Điều đó đã càng kích thích sự thèm khát tin tức trái chiều của dân chúng, đó là lý do vì sao các tin tức chưa được kiểm chứng trở thành món ăn tinh thần “khoái khẩu” của đa số người dân, kẻ cả những người mang danh là trí thức không ư chế độ.


Điều này đã được một số cá nhân hay tổ chức chính trị chống đối nhà nước Việt Nam, lâu nay đã triệt để khai thác, với mục đích nhằm lung lạc tinh thần của người dân, tạo ra sự mất lòng tin vào chế độ. Điều mà lâu nay Đảng CSVN gọi là "Diễn biến Hòa bình". Nghĩa là trong cuộc đối đầu với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, các cá nhân hay tổ chức chính trị đã tận dụng việc sử dụng truyền thông để tiến hành và thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý, trên cơ sở một ma trận thông tin thực ảo lẫn lộn, để tấn công vào sự nghi ngờ, thậm chí là bất mãn của dân chúng, một hậu quả của việc nhà nước bưng bít thông tin như ở Việt Nam.


Xin khẳng định đây là điều cần thiết và phù hợp cần được cổ vũ.


Trong bài viết của tác giả Vladimir Yakovlev trên blog của ông Phạm Nguyên Trường, có đoạn viết rằng "Một phương pháp khác, gọi là “40/60”, do Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền khét tiếng của Đức Quốc xã, nghĩ ra. Theo kỹ thuật này, cần thiết lập một kênh truyền thông, ban đầu cần phổ biến 60% thông tin nói tốt về kẻ thù. Sau khi đã được đối phương tin tưởng thì 40% còn lại được sử dụng nhằm truyền bá thông tin xuyên tạc, phương pháp này cực kỳ hiệu quả vì được nhiều người tín nhiệm. Trong Thế chiến II, có một đài phát thanh được lực lượng chống phát xít rất tín nhệm. Người ta tin rằng đó là đài phát thanh của Anh và tin tất cả những thứ nó nói. Nhưng phải sau chiến tranh người ta mới biết rằng đấy là đài của Đức Quốc xã, hoạt động theo nguyên tắc “40/60” của tiến sĩ Goebbels".


Theo tôi, đây là một kinh nghiệm kinh điển, cần được phổ biến rộng rãi và phát huy. Từ đó để thấy cần phải hiểu rằng, blogger Người Buôn Gió đã và đang thực hiện theo hướng đi đúng đắn như vậy.


Tiếc rằng những người những nhân vật đấu tranh hay ủng hộ Phong trào DC ở Việt Nam không hiểu được thủ thuật này. Từ trước đến nay, hễ cứ tác giả hay tờ báo nào có hơi hướng khen cộng sản, chê phong trào DC một chút thì họ lồng lên, như gái ngồi phải lá han và chửi rủa. Đầu óc của những kẻ như thế thử hỏi thì sẽ dẫn dắt được ai và xã hội tương lai sẽ như thế nào, khi giao cho những kẻ cực đoan như thế nắm giữ quyền lực? Nếu đối chiếu với câu thành ngữ“Bọn ngu, thường rất đông”, sẽ thấy rằng những kẻ như thế thì vô cùng đông trong cộng đồng đấu tranh DC. Đây là một điều bất hạnh của người Việt Nam chúng ta.


Về blogger Người Buôn Gió



Theo nhìn nhận và đánh giá của cá nhân tôi, blogger Người Buôn Gió là người có khiếu viết lách thiên phú. Với vốn sống của một kẻ hạ lưu ở thành thị, cộng với ảnh hưởng của sự đam mê đọc các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, điều đó đã giúp cho một anh ta có một lối viết dân dã, phù hợp với hợp khẩu vị với giới bình dân. Nói không ngoa rằng, blogger Người Buôn Gió có thể coi là bản sao của Nhà Văn Nguyên Hồng, một nhà văn tài năng trong quá khứ và cũng vì giống như Nguyên Hồng, nên blogger Người Buôn Gió có khả năng cuốn hút số đông thuộc giới người lao động tay chân.


Với lối viết nửa đùa, nửa thật; thực thì ít nhưng hư cấu, bịa đặt thì nhiều, mang dáng dấp sách kiếm hiệp chỉ mang tính giải trí nên rất có khả năng cuốn hút, đây là cách viết giúp người đọc giải trí, đọc cho vui. Tuy nhiên bên cạnh việc khéo léo sử dụng các thông tin bịa đặt, suy diễn đó đã khiến cho một số đông tin là thật, lại là một thành công lớn của blogger Người Buôn Gió, trong việc độ tập hợp cũng như lôi kéo đám đông, với mục đích nhằm lung lạc tinh thần của người dân, mất lòng tin vào chế độ. Đóng góp này là điều phải được ghi nhận, dẫu rằng không ít ý kiến cho rằng như trang viết đó chỉ có giá trị dùng để gói xôi và dành cho mấy ông xích lô hay bà bán khoai nướng bên vỉa hè đọc.


Việc tôi khẳng định việc blogger Người Buôn Gió trong khi viết sử dụng các thông tin "thực thì ít nhưng hư cấu, bịa đặt thì nhiều", trước hết là vì anh ta viết theo lối văn chương. Chính anh ta từng nói với tôi rằng, khi viết, thông tin đúng sai anh ấy không quan tâm, anh viết chỉ để bênh kẻ yếu, cứ yếu là bênh, còn các thông tin thực về nội chính thì anh không có điều kiện tiếp cận nên không rõ.


Blogger Người Buôn Gió với khả năng giàu trí tưởng tượng, chính về thế anh có thể nghĩ ra những chuyện câu chuyện không bao giờ có nhưng như thật. Vậy mà rất lắm kẻ tin, đây là thành công của blogger Người Buôn Gió. Song về lâu dài thì là điều nguy hiểm cho vấn đề phát triển dân trí nên phải nhắc đến để đánh động.


Ví dụ mới nhất khi blogger Người Buôn Gió đưa tin, Đinh Thế Huynh quỳ mọp lạy Ba Dũng xin làm đệ tử thì là chuyện xin được khẳng định là bịa 100%. Vì khi ấy, những người chuyên viết về mảng nội chính đều biết rằng, trước Đại hội Đảng 12, nguy cơ Nguyễn Tấn Dũng có khả năng phá tan đảng là có thật, và BCH TW cũng thấy nguy cơ đó nên đã đồng thuận chủ trương loại Ba Dũng khỏi chức vụ Tổng Bí thư. Song do Đinh Thế Huynh lúc đó được Bắc Kinh lựa chọn sẽ giữ chức Tổng Bí thư, thì Ban CHTW Đảng không chịu, vì thế mới có chuyện đồng ý để Trọng Lú nắm tiếp chức vụ Tổng BT thêm một thời gian là 2 năm.


Nói thế để thấy, các thông tin từ blogger Người Buôn Gió từ trước đến nay viết trên blog cá nhân đều na ná như thế. Có gì là thực đâu, vì là sáng tác văn chương mà.


Tuy vậy. tôi luôn ủng hộ cách làm cũng như cách viết văn hiện nay của blogger Người Buôn Gió trong giai đoạn trước mắt, vì việc sử dụng thuyết âm mưu để chống một chế độ độc tài đang bóp nghẹt quyền tự do báo chí của dân chúng, thì đây là điều bắt buộc phải làm, cái đó nó có lợi nhiều hơn có hại. Tuy nhiên khi đưa tin tức sự kiện dễ bị người ta kiểm chứng, thì blogger Người Buôn Gió nên tuân thủ nguyên tắc viết báo. Nghĩa là các thông tin đó người ta sẽ kiểm chứng độ chính xác và trung thực của các thông tin do anh ta đưa ra.


Hệ quả


Người Việt Nam vốn dân trí đã thấp, thụ hưởng một nền giáo dục mang tính "đồng phục" do nhà nước áp đặt trong thời gian quá dài. Với lý do đó, nên khả năng suy luận hay đánh giá một vấn đề khi tiếp nhận thông tin, của không chỉ của người dân lao động, mà kể cả trí thức cũng hầu như bị tê liệt. Họ không có cái tư duy đó.

Chính vì thế đã biến họ trở thành những người nhẹ dạ, cả tin, mau quên và thêm nữa là có sở thích a dua, thậm chí là bầy đàn. Tình trạng ai nói gì cũng tin, cũng tưởng thật, dần dẫn đến tình trạng hễ ai các ý kiến khác với quan điểm của mình thì coi là kẻ xấu, quy chụp là thành viên Việt Tân hay dư luận viên Cộng Sản là điều đang diễn ra hết sức phổ biến của đại chúng.


Người ta đã khẳng định rằng "Đa phần người Việt Nam chúng ta đón nhận những ý kiến phản biện bằng sự suồng sã của con vẹt và thói hách dịch của kẻ bề trên. Nó là biểu hiện cho sự cùm trói tư duy, không chấp nhận bất cứ quan điểm nào khác chủ kiến của mình và chỉ gìn giữ những định kiến mà không cần liên hệ với giá trị hiện thời – tự coi tầm hiểu biết của mình là chân lý bất biến.".Đó là điều rất chính xác.


Cái tư duy đó cộng với các thông tin suy diễn thậm chí là bịa đặt của blogger Người Buôn Gió đưa ra (trừ vụ liên lạc với Trịnh Xuân Thanh) theo kiểu văn chương, những thông tin đã làm cho nó nhiều người tin và tưởng thật. Vì người ta đâu có hiểu rằng, blogger Người Buôn Gió là một nhà văn đúng nghĩa, chứ đâu phải là một nhà báo viết chính luận.


Tạm kết:


Triết gia Hy Lạp thời cổ đại Socrates đã khẳng định rằng: "Tư duy mạnh thì bàn về tư tưởng. Tư duy trung bình thì bàn về sự kiện. Kẻ tư duy yếu chỉ bàn chuyện bếp núc". Chính vì thế, trong giới viết lách cũng cần những người uyên bác để bàn về tư tưởng, triết học; hay những nhà báo có năng lực để bàn về sự kiện và hãy để những nhà báo công dân như blogger Người Buôn Gió lo việc bếp núc.


Người cầm bút dù ở vị trí nào, cũng phải nhớ vai trò và trách nhiệm khai phóng dân trí khi cầm bút, dù là ở tư cách nhà văn hay nhà báo. Tuy vậy, với blogger Người Buôn Gió hãy hiểu anh ta là một nhà văn, để đọc cho vui và đừng coi là người viết chính luận để rồi trách cứ. Nhà văn mà không hư cấu, không bịa để có những ý tưởng sáng tạo thì sao họ có thể viết được?


Thiết nghĩ việc làm từ trước đến nay của blogger Người Buôn Gió cũng là việc hợp quy luật của truyền thông, đó là cần thiết chứ đâu có thừa? Nhưng có lẽ về phía bạn đọc nên cố gắng hiểu rằng, blogger Người Buôn Gió đang sáng tác văn chương chứ đâu viết chính luận thì mọi việc đều ổn cả.


Trách nhiệm của tôi luôn phải là một nhà báo công tâm, với mục đích để thúc đẩy sự tiến bộ dân trí để phát triển của đất nước. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi là người tranh đấu tranh dân chủ hay làm chính trị. Vì thế xin đừng nghĩ tôi suy nghĩ giống với các bạn. Không phải bây giờ, mà cách đây 6-7 năm tôi đã thấy con đường các bạn đi là sai, không đúng với những gì tôi biết và tôi đã sớm chỉ trích.

Chính vì, phong trào của các bạn như thế đến, nên hôm nay luôn tỏ ra là một sự chống đối ô hợp và thiếu tổ chức. Đấy không phải là việc hoạt động đấu tranh dân chủ đúng nghĩa. Chỉ khuyên các bạn, hãy tìm hiểu để biết rằng, đối lập chính trị không chỉ duy nhất là chống đối. Nếu hiểu ra điều này và cộng với việc chăm học hỏi để bổ xung kiến thức chính trị và bớt chém gió đi, vì chính trị là một môn khoa học, đừng làm chính trị bằng cảm hứng. Có như thế thì hệ thống chính trị của Việt Nam mới có thể hy vọng thay đổi được được.


Ngày 13/09/2016


© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.