16 mai 2017

NGHĨ VỀ QUAN ĐIỂM NỀN KINH TẾ TƯ NHÂN Trong nghị quyết TW5.



Nguyễn Huy Canh: "Nói tới KTTN (Kinh Tế Tư Nhân) là phải nói tới sở hữu tư nhân được phát triển đối với tư liệu sản xuất. Điều này đúng, và càng nhất thiết phải có trong nền kinh tế thị trường hiện đại.


Muốn cho KTTN trở thành động lực, thì, nếu đất đai-một tư liệu sản xuất cơ bản của xã hội, không được tư nhân hóa, thì ít ra, quyền sử dụng đất, cũng phải được xem như một yếu tố cơ bản tham gia vào thị trường trong nền kinh tế thị trường. Nếu không, một cơ chế xin-cho, chia chác sẽ làm méo mó các giá trị của nó, và khi đó nền kinh tế của đất nước, và xã hội rất dễ bị tổn thương, tính động lực của nền kinh tế này còn là cái gì xa vời."




Hội nghị TW5 khóa 12 có nhiều nội dung lớn, quan trọng. Nhưng theo tôi, có thể xem, hội nghị này, như 1 bước đột phá lớn. Lần đầu tiên, sau 30 năm tìm tòi, thử nghiệm, và những thất bại cay đắng về tính chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo của đảng đã nhìn thấy, và thẳng thắn công nhận vai trò không thể thiếu của kinh tế tư nhân (KTTN) đối với sự ổn định và phát triển đất nước. Đảng đã thừa nhận về 1 sự kì thị, coi nhẹ sự tồn tại và vai trò của nó đối với quá trình phát triển đất nước trước đây. 30 năm đã qua, vì coi DNNN như một xu thế chủ đạo, nền tảng nâng đỡ lịch sử hiện đại, nên KTTN chỉ được xem như một thành phần phụ trợ, là chất phụ gia của nền kinh tế. Sự thua lỗ, thất thoát và cực lãng phí,(đã có hàng trăm, ngàn tỉ đồng đã bị biển thủ, hoặc để trôi ra sông ra biển trong thập niên qua) do kiểu sở hữu công của các DNNN đã đem lại cho đảng một bài học đau đớn, một niềm tin vào nó bị đổ vỡ.


Thừa nhận vai trò động lực của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế. Nhưng chúng ta biết rằng, KTTN đã có lịch sử tồn tại hàng nghìn năm dưới thời trung cổ lạc hậu, tăm tối. Nó chưa bao giờ là động lực của sự phát triển trong nghìn năm đó. Nền KTTN nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự  cấp và bị nhiều giàng buộc, phụ thuộc, thì làm sao có thể trở thành động lực của một tiến trình lịch sử được. Phải đến nền KTTN tư bản chủ nghĩa, thì tính chất động lực của nó đối với lịch sử, mới hình thành.


Nói tới KTTN là phải nói tới sở hữu tư nhân được phát triển đối với tư liệu sản xuất. Điều này đúng, và càng nhất thiết phải có trong nền kinh tế thị trường hiện đại.


Muốn cho KTTN trở thành động lực, thì, nếu đất đai-một tư liệu sản xuất cơ bản của xã hội, không được tư nhân hóa, thì ít ra, quyền sử dụng đất, cũng phải được xem như một yếu tố cơ bản tham gia vào thị trường trong nền kinh tế thị trường. Nếu không, một cơ chế xin-cho, chia chác sẽ làm méo mó các giá trị của nó, và khi đó nền kinh tế của đất nước, và xã hội rất dễ bị tổn thương, tính động lực của nền kinh tế này còn là cái gì xa vời.


Cùng với điều đó, chúng ta phải mạnh mẽ thực hiện công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tư nhân hóa nó, cổ phần hóa nó cần phải được xem như một tư tưởng có tính thời đại, và vì thế cần biết vượt qua những lợi ích nhỏ bé nào đó đang trở thành rào cản, cũng như mọi cách tính toán của các chuyên gia kinh tế có tính đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, để cho hành động có tính lịch sử này được thực hiện


Thừa nhận tính chất động lực của nền KTTN là một bước tiến lớn của tư tưởng. Vì đó là một sự tự vượt qua nỗi sợ hãi về một sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của lịch sử. Nhưng nghĩ rằng,với 30 năm cho một bước chuyển đó là chưa đủ. 

Nó là chưa đủ, bởi vì, đã không còn tính chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh, thì nền KTTN phải trở thành chủ đạo, thành nền tảng cho toàn bộ đời sống mỗi chúng ta, và đời sống xã hội. Tư tưởng cần phải được triệt để, phải đẩy nó đến tận cùng. Tất cả các quan hệ kinh tế-xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục, cho đến đường lối, chính sách phải là HÌNH ẢNH của nó, thì khi đó, chúng ta mới hi vọng hoàn tất được một giai đoạn cần thiết đầy đau khổ của tiến trình phát triển.