18 août 2017

BOT CỨU "ĐỆ NHẤT PHU NHÂN" BẰNG TIỀN AI

HUY ĐỨC
Trước năm 2013, bà Đỗ Thị Huyền Tâm ở trong tình trạng thua lỗ, nợ nần tới mức bị Ngân hàng Nông nghiệp liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng, không hiểu sao "tập đoàn" của bà vẫn được giao hai dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 Hà Nội - Bắc Giang.
Đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, giai đoạn I chỉ "cải tạo, nâng cấp" vẫn 4 làn xe, được tính giá 1.974 tỷ đồng (hoàn thành 2015); giai đoạn hai, mở rộng thành 6 làn xe, 4.213 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành cuối quý II, 2018). Đoạn Hà Nội - Bắc Giang "nâng cấp" với tổng mức đầu tư 4.213 tỷ đồng (hoàn thành 6-2016).
Từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng, chỉ cần nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ "nghìn tỷ" trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách trọc phú của vợ chồng bà Tâm hiện nay, để thấy bản chất của BOT. Tiền đấy là tiền dân, tiền của chúng ta, chứ không phải là tiền anh Thăng, anh Dũng.
-----------------------------------------

BÁO THANH NIÊN

‘Ăn chặn’ tiền dân!

Cai Lậy là từ khóa “hot” nhất trong những ngày này, sau khi vượt qua “cuộc chiến” tiền lẻ của các lái xe. Nhưng thái độ của Bộ GTVT về vấn đề cốt lõi, bản chất ở đây mới là điều đáng nói.

Bộ GTVT đã không thừa nhận (hay không dám thừa nhận) sai lầm tai hại tại Trạm thu phí Cai Lậy, chính là ở vị trí đặt trạm vô lý, chứ không phải là mức phí. Câu chuyện tương tự cũng từng được nhắc đến với hàng loạt trạm thu phí: Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), Cầu Bến Thủy (Nghệ An), QL3 Thái Nguyên, Tuyên Quang... Chuyện đường một đằng, trạm thu phí một nẻo chính xác phải gọi là hành vi “ăn cắp” tiền của người tham gia giao thông.
Ai đã cho phép những hành vi “ăn chặn” trắng trợn ấy, dưới danh nghĩa các hợp đồng BOT? Có lẽ Bộ GTVT hơn ai hết biết rõ điều đó.
Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) nói chung hay trong lĩnh vực giao thông nói riêng chính xác là đầu tư công, cho nên đáng lẽ mọi trình tự từ lập dự án, lựa chọn nhà thầu, quyết toán công trình... đều phải theo nguyên tắc đầu tư công. Nhưng theo kết luận thanh tra vừa công bố, 100% các dự án BOT giao thông khu vực phía bắc (thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015), được thực hiện không thông qua đấu thầu công khai (chỉ định thầu). Con số này trên toàn quốc cũng cực kỳ khiêm tốn: Chỉ một dự án đấu thầu.
Có thể chưa đầy đủ, nhưng điều này lý giải, một chủ trương đúng (BOT) lại mắc quá nhiều sai phạm, gây ra quá nhiều bức xúc khi thực hiện. Chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích và ở đó chỉ nhà đầu tư, nhóm lợi ích được lợi.
Một thành viên đoàn thanh tra kể, Bộ GTVT lý giải việc chỉ định nhà đầu tư BOT thay vì đấu thầu công khai là vì tính cấp bách của dự án, trong khi hầu hết các dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm. Điều này có thật không? thì lại phải nghe tâm sự thật của một chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn tư nhân đa ngành uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông. Ông kể đã không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao.
Với cách “chia dự án” như vậy, đương nhiên sẽ chỉ chọn được những nhà đầu tư yếu kém, không đủ tiềm lực tài chính, các nhà đầu tư đàng hoàng không “được chia”, không chắc được đối xử công bằng, chả dại gì bỏ ra một khoản tiền lớn để làm hồ sơ tham gia.
Để giải quyết dứt điểm các bức xúc về BOT thì vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cụ thể là Bộ GTVT, là vấn đề lớn nhất cần phải làm rõ. Tất cả các sai phạm như phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ... chung quy lại đều là hệ quả của việc vi phạm pháp luật về đầu tư công như đã nói ở trên.