12 août 2017

Hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng kéo lên Bộ Công Thương


Sáng 11/8, 110 hộ kinh doanh tại chợ truyền thống Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong đồng phục "Chợ truyền thống Đồng Đăng - tỉnh Lạng Sơn" đã kéo đến trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hà Nội) kiến nghị giữ lại chợ truyền thống hơn 100 năm tuổi - nơi đang kinh doanh của hơn 500 hộ buôn bán. 
 
Bức xúc với chính quyền địa phương, hơn 100 tiểu thương chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) kéo về Bộ Công Thương kiến nghị việc giữ lại chợ truyền thống. 

Phản ánh tại buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương, bà con tiểu thương cho biết, chợ truyền thống Đồng Đăng (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) hiện có 244 hộ kinh doanh cố định, hơn 300 hộ kinh doanh không có hợp đồng. Đây là khu chợ có lịch sử lâu đời qua các thời kỳ kháng chiến, phục vụ cho nhu cầu dân sinh trong khu vực và một phần khách du lịch đến tham quan Đền Mẫu. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền địa phương có kế hoạch phá bỏ chợ cũ để chuyển sang kinh doanh tại khu trung tâm thương mại mới được hoàn thành, mà không lấy ý kiến hay thông báo về kế hoạch di dời trước đó cho bà con tiểu thương.

"Chợ Đồng Đăng là nơi kiếm miếng cơm manh áo của gần 500 hộ kinh doanh, nhưng đùng một cái tỉnh lại đưa ra chủ trương di chuyển bà con sang buôn bán tại Trung tâm thương mại cách đó 1 km khi chưa lấy ý kiến của chúng tôi. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã ép người dân di dời chợ, nhưng người dân không đồng thuận", bà Nguyễn Thị Kiểm - đại diện tiểu thương bức xúc.

Bà Hoàng Ngọc Hiền, tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Đăng hơn chục năm, tiếp lời: "Trung tâm thương mại Đồng Đăng cách khá xa khu dân cư không thuận tiện việc giao thương, tiền thuê quầy tại đây cũng cao gấp 3 lần chợ cũ. Chúng tôi bán hàng dân sinh rẻ tiền mà vào trung tâm thương mại thì làm sao bán buôn được gì". Bà Hiền cũng lo lắng, giống như nhiều chợ truyền thống khác "đập đi, xây mới rồi chuyển sang kinh doanh tại trung tâm thương mại là ế ẩm, đóng cửa hàng loạt"... "Nếu xóa bỏ chợ này thì đời sống người dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng, thất nghiệp", bà nói.

Vì lẽ đó, hơn 2 tháng nay hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ này đã đóng quầy, ngừng buôn bán để đình công, phản đối cách làm của chính quyền địa phương. 

Dù vụ việc không thuộc quyền xử lý của Bộ Công Thương, nhưng ông Trần Hữu Linh - Chánh văn phòng Bộ cho biết, cơ quan này vẫn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của bà con tiểu thương. "Các ý kiến bức xúc của bà con sẽ được Bộ ghi nhận, gửi tới lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng liên quan giải quyết", ông Linh khẳng định. 

Thực tế, Trung tâm thương mại Đồng Đăng (Lạng Sơn) được UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt phương án đầu tư từ tháng 3/2005, gồm các hạng mục: chợ 2,5 tầng với 1.300 quầy hàng cho thuê; chợ ngoài trời (có mái che) kinh doanh hàng tươi sống và thực phẩm; trung tâm thương mại 11 tầng...

Tháng 12/2005, tỉnh có tiếp quyết định phê duyệt bổ sung 2 hạng mục đầu tư tại trung tâm thương mại này, gồm khuôn viên cây xanh và giao thông khu vực trung tâm thương mại. Trong đó, khu vui chơi giải trí và khuôn viên cây xanh được đặt tại ví trí chợ Đồng Đăng cũ. Tuy nhiên, 9 năm sau khu trung tâm thương mại này mới được chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Đồng Đăng khởi công xây dựng.

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Lạng Sơn giao chủ đầu tư Trung tâm thương mại Đồng Đăng quản lý chợ Đồng Đăng cũ. Điều khiến các tiểu thương bức xúc, từ khi có chủ trương đến khi tiến hành xây dựng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã đơn phương thực hiện mà không có động thái nào trưng cầu ý dân, cũng không có thông báo gì để các tiểu thương nắm được về việc di dời chợ. Vì thế, khi chính quyền địa phương thông báo kế hoạch di dời chợ cũ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của tiểu thương kinh doanh lâu năm tại đây.

Liên quan tới vụ việc này, trả lời báo chí trước đây, ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, việc đầu tư xây dựng khuôn viên cây xanh tại vị trí chợ Đồng Đăng hiện tại đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhà nước chỉ thu hồi đất trong phạm vi diện tích đã được quy hoạch. Cũng theo ông Thưởng, trong quá trình thu hồi đất để thực hiện đầu tư xây dựng hạng mục công trình này, tỉnh luôn quan tâm đến việc chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ tiểu thương.

Anh Minh
  Nguồn: Theo VNE