09 août 2017

Mỹ - Úc - Nhật kêu gọi ngừng các hành động cưỡng chế trên Biển Đông



Hồng Thủy


(GDVN) - Sự quan tâm đột ngột của Trung Quốc đến COC sau 15 năm họ luôn tìm cách trì hoãn và kéo dài quá trình đàm phán, thực chất chỉ là động thái câu giờ.

The Manichi, Nhật Bản ngày 8/8 đưa tin, Ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản muốn các hành động cưỡng chế trên Biển Đông phải được dừng lại, Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 phải được tuân thủ. [1]

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tân Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gặp nhau bên lề Diễn đàn ASEAN năm nay tại Philippines, ảnh: The Japan Times.



Thượng tôn Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 và UNCLOS


Ông Rex Tillerson, bà Julie Bishop và tân Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng kêu gọi các nước Đông Nam Á nhanh chóng thương lượng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn leo thang xung đột.

Trong một tuyên bố chung, 3 vị Ngoại trưởng bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về những tranh chấp dai dẳng trên biển, đồng thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động cưỡng chế đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng.

Họ kêu gọi các quốc gia tranh chấp trên Biển Đông: không được bồi lấp đất đai, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp và thực hiện các hành động đơn phương gây ra những thay đổi vĩnh viễn về địa chất, môi trường biển ở các khu vực đang phân định.

3 nước này cho rằng, các quốc gia tranh chấp cần phải giải thích rõ yêu sách của họ một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

The Manichi bình luận, phát biểu của 3 vị Ngoại trưởng Mỹ - Australia - Nhật Bản nhằm mục đích trấn áp các hành vi xâm lược, bành trướng trên gùng biển đang tranh chấp.

Quan điểm của họ tương phải với lập trường của Trung Quốc, họ phản đối cái Bắc Kinh cho là "can thiệp từ bên ngoài châu Á". Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết vấn đề qua đàm phán tay đôi.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nói với truyền thông, đàm phán COC đã được tìm kiếm từ rất lâu, năm 2002, cuối cùng có thể bắt đầu trong năm nay nếu "bên ngoài" không gây ra sự gián đoạn lớn.


"COC cũng vô nghĩa, nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng"


Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ hôm thứ Hai 7/8 bình luận, Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đối với một Trung Quốc hung hăng, sẽ là một thách thức quan trọng cho khu vực.

Phát biểu tại Jakarta, Indonesia trong một cuộc họp của Hiệp hội Hữu nghị Hoa Kỳ - Indonesia, Đô đốc Harry Harris bình luận:

Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016 đã cho tất cả các nhà quan sát thấy rõ, Trung Quốc là nước như thế nào. Ông nói:

"Tiếp tục các tuyên bố mâu thuẫn với các nước khác sẽ chứng minh cho tất cả chúng ta thấy, Trung Quốc là ai".

Tuy nhiên The Manichi lưu ý, tướng Harry Harris cũng chưa đưa ra ý tưởng giúp đỡ nào hơn ngoài hỗ trợ tinh thần cho các nước Đông Nam Á. 

Tướng Harry Harris nói rằng, khu vực này không phải là đối tác hiệp ước của Hoa Kỳ, và mọi thứ tùy thuộc vào cách 10 nước Đông Nam Á sẽ phản ứng mạnh đến đâu trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Channel News Asia, Singapore ngày 7/8 dẫn lời một số nhà ngoại giao, nhà quan sát bình luận:

Sự quan tâm đột ngột của Trung Quốc đến COC sau 15 năm họ luôn tìm cách trì hoãn và kéo dài quá trình đàm phán, thực chất chỉ là động thái câu giờ, để có thêm thời gian thực hiện các mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông mà thôi. [2]


Tài liệu tham khảo:




Hồng Thủy

Nguồn: Theo GDVN