11 août 2017

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức tiếp tục gây sức ép với Việt Nam



Ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức. Ảnh chụp ngày 20/10/2016.Bui Thanh Hieu (Nguoi Buon Gio)/via REUTERS


Chính quyền Đức, ngày 09/08/2017, cho biết đang xem xét các hành động tiếp theo, sau khi Việt Nam đã không đáp ứng đòi hỏi để cho ông Trịnh Xuân Thanh quay lại Đức.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức, ngày 09/08, cho biết lấy làm tiếc là đề nghị của Berlin cho ông Thanh quay lại Đức đã không được chính quyền Hà Nội đáp ứng.



Đại diện bộ Ngoại Giao Đức, được Reuters trích dẫn, tuyên bố : « Chúng tôi đã hy vọng đó là cơ hội sửa chữa mọi việc sau khi xẩy ra hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức và quốc tế », « thật đáng tiếc, điều này không xẩy ra, do vậy, chúng tôi đang xem xét có thể làm gì để cho các đối tác Việt Nam hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận việc này ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức không cho biết các hành động tiếp theo là gì, mà chỉ nói là đang xem xét mọi khả năng và nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nhận được một khối lượng viện trợ cho phát triển rất lớn từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết tài trợ hơn 257 triệu đô la cho Việt Nam trong vòng hai năm.

Theo một phát ngôn viên khác của bộ Ngoại Giao Đức, thì đại diện chính phủ hai nước đã có các cuộc thảo luận về hồ sơ này.

Tuần trước, bộ Ngoại Giao Đức đã tố cáo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đang xin quy chế tị nạn tại nước này. Trong khi đó, ông Thanh, nguyên là một trong những lãnh đạo của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, bị Việt Nam truy nã với tội danh quản lý kém, làm thất thoát 150 triệu đô la.

Berlin đã có phản ứng mạnh về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức, sau khi chính quyền Hà Nội loan tin người này ra đầu thú tại Việt Nam.

Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu cho ông Thanh quay lại nước này và tuyên bố trục xuất một điệp viên Việt Nam làm việc trong sứ quán Việt Nam tại Berlin vì có dính líu tới vụ bắt cóc.

Nguồn: Theo RFI