20 novembre 2017

Từng là “ngôi sao” ở châu Phi, kinh tế Zimbabwe đã tụt dốc như thế nào?




Một thời là "rổ bánh mì" của châu Phi, Zimbabwe giờ đây đối mặt với một nền công nghiệp trì trệ, thiếu lương thực nghiêm trọng, đồng tiền sụt giá chóng mặt, và nạn tham nhũng tràn lan. 

Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe - Ảnh: Getty/CNBC.



Theo hãng tin CNN, ngày 15/11, quân đội Zimbabwe đã giành quyền kiểm soát Chính phủ, triển khai xe tăng khắp thủ đô Harare, và đặt Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe vào tình trạng bị quản thúc tại gia. Diễn biến này làm dấy lên những tin đồn về một cuộc đảo chính, cho dù, quân đội nói đây không phải là một cuộc đảo chính.

Ông Mugabe đã lãnh đạo Zimbabwe gần 4 thập kỷ và bị cho là nguyên nhân dẫn tới sự suy sụp kinh tế của quốc gia Nam Phi này.



CNN đã điểm lại sự thăng trầm kinh tế của Zimbabwe kể từ khi ông Mugabe lên cầm quyền vào năm 1980, sau khi nước này giành độc lập từ Anh:


Thập niên 1980

Ông Mugabe cùng Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (bên phải) trong một chuyến thăm nước này năm 1980 - Ảnh: Getty.




Sau nhiều năm là một tù nhân chính trị, ông Mugabe trở thành Thủ tướng đầu tiên của Zimbabwe độc lập vào năm 1980. Ở thời điểm đó, ông được người dân Zimbabwe yêu mến bởi phong cách được cho là giống với Nelson Mandela. Người dân kỳ vọng ông sẽ lãnh đạo đất nước tiến lên sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự thống trị của người da trắng.

"Trước đây, ông ấy luôn có lập trường dân túy, nghĩa là muốn làm việc vì lợi ích cao nhất của người dân, nhưng chưa hẳn là vì nền kinh tế", nhà quản lý danh mục đầu tư Funmi Akinluyi, một người chuyên đầu tư vào châu Phi và các thị trường mới nổi, thuộc quỹ Silk Invest, nhận xét.

Sau đó, ông Mugabe còn nhận được cộng đồng quốc tế công nhận bởi những sáng kiến giáo dục và y tế. Zimbabwe nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu các loại hàng hóa và nông sản, đặc biệt là thuốc lá nhờ điều kiện thời tiết phù hợp với cây trồng này.


Thập niên 1990


Đến thập niên 1990, sức mạnh chính trị của ông Mugabe bắt đầu suy giảm. Giới phê bình cáo buộc ông sử dụng vũ lực và hối lộ để duy trì quyền lực, nhưng ông liên tục phủ nhận.

Sai lầm của ông Mugabe trong quản lý ngành nông nghiệp của Zimbabwe được cho là bước ngoặt dẫn tới thảm họa kinh tế ở nước này. Chính phủ Zimbabwe tiến hành cải cách ruộng đất nhằm chấm dứt chuỗi thập kỷ các chủ đất da trắng nắm quyền sở hữu đất đai.

Đạo luật thâu tóm đất đai ra đời năm 1992 cho phép ông Mugabe buộc các chủ đất phải nộp lại đất và Chính phủ Zimbabwe tiến hành phân bổ lại đất đai. Năm 1993, ông Mugabe dọa trục xuất các chủ đất da trắng phản đối quy định mới này.


Thập niên 2000

Một biểu ngữ trong chiến dịch cải cách ruộng đất tại Zimbabwe những năm 2000, gián tiếp dẫn đến nạn đói tại nước này sau đó - Ảnh: Newsweek.




Phải đến năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe mới trở nên mạnh mẽ và khiến 4.000 chủ đất là người da trắng phải nộp lại đất. Nhưng sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe ngay lập tức sụt giảm chóng mặt.

"Tình trạng thiếu lương thực xảy ra liên tục", bà Akinluyi nhớ lại. "Mọi người rơi vào cảnh đói".

Sau chiến dịch thu đất là hai năm mùa màng thất bát và hạn hán, dẫn tới nạn đói tồi tệ nhất ở Zimbabwe trong 60 năm.

Trong bối cảnh thiếu lương thực cơ bản nghiêm trọng và kéo dài năm này qua năm khác, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đẩy mạnh in tiền để nhập khẩu hàng hóa. Kết quả là lạm phát tăng vọt.

Ở thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng, giá cả tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ đồng hồ. Các chuyên gia kinh tế ước tính lạm phát hàng tháng ở Zimbabwe đạt mức 7,9 tỷ phần trăm vào năm 2008. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng chóng mặt, các dịch vụ công cộng tê liệt, và nền kinh tế Zimabwe suy giảm 18% trong năm 2008.

Năm 2009, Zimbabwe từ bỏ đồng tiền riêng, chuyển sang dùng đồng USD, đồng Rand Nam Phi và 7 đồng tiền khác.


Thập niên 2010

Những đồng tiền có mệnh giá khổng lồ trở nên quen thuộc tại Zimbabwe trong giai đoạn siêu lạm phát cuối những năm 2000.



Tổng thống Mugabe đáp trả lệnh trừng phạt quốc tế đối với Zimbabwe vào năm 2010 bằng cách đe dọa sẽ tịch thu tất cả các khoản đầu tư của phương Tây ở nước này. Lời đe dọa đã khiến các nhà đầu tư có ý định rót vốn vào Zimbabwe bỏ chạy.

"Rủi ro chính trị lớn hơn cơ hội mà bạn nhìn thấy ở đó", bà Akinluyi nói.

Trong thời gian này, Chính phủ Mugabe chuyển trọng tâm từ nông nghiệp sang khai mỏ, yêu cầu gần một nửa số công ty khai mỏ kim cương phải ngừng hoạt động và từ bỏ các mỏ họ đang khai thác. Kế hoạch được vạch ra nhằm để một đơn vị quốc doanh tiếp quản toàn bộ hoạt động đào kim cương.

Những ngành xuất khẩu quan trọng đều gặp khó, Zimbabwe giờ đây chật vật tìm nguồn thu ngoại tệ. Hạn hán nghiêm trọng càng khiến tình hình kinh tế nước này thêm khó khăn, dẫn tới những đợt rút vốn ngân hàng ồ ạt trong năm 2016.

Vào cuối năm ngoái, Zimbabwe bắt đầu in tín phiếu trị giá 1 USD mỗi tờ nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm tiền mặt.

Bà Akinluyi nói rằng tình hình hiện nay là rất đáng thất vọng, bởi Zimbabwe từng là một quốc gia rất có tiềm năng phát triển kinh tế. "Họ có kim cương, than, đồng, quặng sắt… Nghĩa là họ có tài nguyên", bà nói. "Cá nhân tôi nghĩ rằng tình hình sẽ được xoay chuyển nhanh chóng nếu họ tìm được một nhà lãnh đạo đúng đắn".

Theo VnEconomy