07 décembre 2017

Quốc hội Việt Nam thừa nhận sự quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông


Những người biểu tình phản đối Trung Quốc với các biểu ngữ "Gạc ma, đất nước không quên' trong một cuộc tập trung ở Hà Nội hôm 14/3/2016 kỷ nhiệm trận chiến ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988.





Quốc hội Việt Nam nói rằng Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong việc sử dụng nhiều biện pháp để chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nhận định này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 12 và được báo chí Việt Nam trích dẫn.

Báo cáo này ghi rõ là Trung Quốc đã sử dụng cả biện pháp đâm chìm tàu Việt Nam để ngăn cản các hoạt động của Việt Nam trên biển.

Ngoài ra, báo cáo nói thêm là Trung Quốc cũng gia tăng liên tục việc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam để đánh trộm hải sản.

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Bắc Biển Đông hiện do Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn, là nơi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đoạt lấy quần đảo này từ Miền Nam Việt Nam sau một trận hải chiến hồi năm 1974.

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Trung Quốc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào trong một đơn vị hành chính mà họ đơn phương lập ra để kiểm soát khu vực rộng lớn ở Biển Đông gọi là tỉnh Tam Sa.

Đối Với Việt Nam, Hoàng Sa là một huyện trực thuộc Thành phố Đà Nẵng, còn Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Trong thời gian mấy năm gần đây Trung Quốc thực hiện nhiều nổ lực gầy dựng sức mạnh quân sự ở những nơi họ đang chiếm đóng thuộc hai quần đảo này bằng cách xây đắp những đảo nhân tạo, triển khai máy bay chiến đấu hiện đại ra hai quần đảo này.

Vào đầu tháng 12 này, Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận đã đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa.


Nguồn: Theo RFA