05 décembre 2017

TỪ VIỆC CHO PHÉP XẢ KHÍ THẢI CỦA FORMOSA - NHÌN LẠI LỖI HỆ THỐNG


Tô Văn Trường. 02/12/2017



Công luận vẫn còn nhớ ông Nguyễn Văn An nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban tổ chức Trung ương, năm 2010 khi trò chuyện với Tuần Việt Nam - VNN góp ý cho việc chuẩn bị đại hội Đảng khóa XI, ông đã thẳng thắn phân tích xung quanh vấn đề lỗi hệ thống. Người dân thì hiểu thực chất là hệ thống này được thiết kế và thi công dựa trên nguyên lý sai, nên phải được xây dựng lại từ nền móng.



Như vậy, cái lỗi của hệ thống tức lỗi lớn từ thượng tầng kiến trúc đã lộ diện nhưng chủ thể không thừa nhận, nên theo quy luật nó, có cơ hội tồn tại và phát sinh nhiều thứ lỗi khác. Một trong các lỗi đó là lỗi do sự thiếu chặt chẽ hiểu biết đầy đủ một cách hệ thống về chuyên môn thường gặp trong các văn bản của các cơ quan nhà nước khiến dư luận phải phản ứng quyết liệt vì mỗi năm có đến hàng trăm văn bản trái luật (Báo Tuổi trẻ ngày 29/11/2017 “Đầy rẫy văn bản vi phạm luật”). Không chỉ ở lĩnh vực lập quy mà ngay cả lĩnh vực lập pháp cũng sai lầm, điển hình như bộ luật hình sự 2015 đã được Quốc hội thông qua, phải tạm hoãn thi hành vì có đến hàng trăm lỗi phải sửa lại.

Gần đây, công luận lại nói về Bộ TN&MT "đặc cách" cho Formosa xả thải vượt chuẩn "hàm lượng oxy tham chiếu" rồi mang Bộ TNMT ra réo và xỉ vả. Vấn đề Formosa không chỉ là lỗi riêng của Bộ TNMT mà gốc rễ của nó là lỗi hệ thống từ giai đoạn cho phép đầu tư. Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy, sai lầm từ khâu cho phép đầu tư vì đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trường hợp vụ sửa QCVN 51 gần đây về "hàm lượng oxy tham chiếu" liên quan với Formosa muốn giải thích có lý, có tình thì phải dẫn chiếu các luận cứ khoa học và thực tiễn chặt chẽ để chứng minh ý kiến của Bộ Công thương và Hiệp hội thép cho phép với lò thiêu kết của ngành công nghiệp thép được áp dụng hàm lượng oxy không khí dư (tham chiếu) trong khói thải 15% là đúng đắn.

Formosa Hà Tĩnh



Luận giải


Thông thường QCVN mới thắt chặt quy định hơn so với QCVN cũ, đằng này QCVN 51:2013 đã quy định tất cả các cơ sở từ 2015 phải áp dụng hàm lượng oxy tham chiếu là 7%, tức là ngặt nghèo (chặt) hơn rồi. Chưa kể trong dự thảo QCVN 51 (phiên bản 2017) sửa đổi trùng khớp một cách đáng ngờ với lộ trình lắp đặt các công trình xử lý khí thải của Formosa, cho nên cộng đồng dị nghị, phê phán cũng không có gì lạ! Trước đây, tôi đã viết bài phân tích về “Mổ xẻ lỗi thứ 53 của Formosa”.

Bộ TNMT với "truyền thống sai đâu sửa đấy" chạy theo phản biện của dư luận sẽ không có cách giải thích nào thuyết phục vì khi xây dựng các văn bản pháp quy (bao gồm cả các QCVN) đã không cân nhắc nghiêm túc đúng như trách nhiệm đáng ra phải làm, mà chỉ thực hiện theo kiểu “hoàn thành đối phó” lệnh chỉ đạo của cấp trên.

Đứng về góc độ khoa học, không riêng gì QCVN 51 đối với khí thải công nghiệp sản xuất thép mà cả QCVN 22:2009 đối với khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN 30:2010 về khí thải là đốt chất thải công nghiệp cũng có quy định về nồng độ oxy dư trong khí thải. Nhưng QCVN 19:2009 thì lại không có quy định về nồng độ oxy dư khí thải. Điều này đang thể hiện sự chưa nhất quán về phương pháp xác định phát thải của Bộ TNMT.

Các chất phát thải được đánh giá bao gồm CO; SOx; NOx; bụi; cadmi (Cd); đồng (Cu); chì (Pb); kẽm (Zn); antimoan (Sb); tổng chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC); dioxin/furan được tính theo đơn vị mg/Nm3 nghĩa là số mg chất thải trong 1 m3 tiêu chuẩn của khói thải. Như vậy, cùng một lượng mg phát thải thì nếu khối lượng khói thải lớn hơn ta sẽ có hàm lượng đo được nhỏ đi nếu ta đo bằng thiết bị đo thông thường.

Quá trình cháy nhiên liệu luôn cần không khí để cung cấp oxy cho phản ứng cháy là phản ứng oxy hóa các thành phần cháy được mà chủ yếu là carbon (C) và hydro (H), lưu huỳnh (S) để tạo ra CO2; H2O và SOx. Nếu quá trình cháy là hoàn toàn và tối ưu như lý thuyết thì sản phẩm cháy (khói) sẽ có nồng độ oxy là 0%. Tuy nhiên, quá trình cháy không thể lý tưởng như lý thuyết nên quá trình cháy vẫn cần một lượng không khí thừa dẫn đến hàm lượng oxy trong khói thải lớn hơn 0%.

Hàm lượng oxy khói thải càng lớn thì quá trình cháy càng kém hiệu quả nhưng nó lại có thêm khí để cho nồng độ phát thải giảm đi một lượng đáng kể. Bởi lẽ đó, nhiều nơi người ta có đường bí mật hòa trộn thêm không khí vào phần khói thoát ra để khi đưa thiết bị đo vào ống khói, hàm lượng chất thải đo được sẽ nhỏ hơn hàm lượng phát thải thật. Trong tình hình đó, một số tiêu chuẩn đặt ra nồng độ oxy tham chiếu để quy mọi nồng độ phát thải đo được vào cùng một trị số không khí thừa. Nồng độ oxy tham chiếu càng thấp thì tiêu chuẩn càng khắt khe.

Sơ đồ quá trình thiêu kết




Zone 1: Burning-off lubricants, Zone 2: Sintering, Zone 3: Re-carbonizing, Zone 4: Cooling, G: Gas inlet, S: Smoke and gas outlet.

Nguyên liệu để thiêu kết-quặng, kể cả bùn chứa sắt như bùn đỏ từ nhà máy alumina đi vào từ phía phải qua các khu vực sau:

Zone 1: Tại đây đây các chất dầu mỡ bị đốt khử ở nhiệt độ khoảng 600-700oC. Đây là nhiệt dư thừa từ khí thải của quá trình thiêu kết.

Zone 2: Tại đây xảy ra quá trình thiêu kết ở nhiệt độ tới 1200oC, sắt sẽ chảy và dính thành cục, thành hòn, thành mảnh.

Zone 3: Tái hóa các bon (re-carbonizing) ở nhiệt độ 850oC.

G: Lối khí đốt và cả khí ô xy vào,

S: Khói và khí thải ra.

Kiểm tra công thức tính nồng độ

Trong công thức tính nồng độ thực này sẽ có mặt của thông số "hàm lượng oxy tham chiếu trong khí thải" (tức là nồng độ oxy dư trong khí thải) quy định trong các QCVN tương ứng.

Theo quy định của Thông tư 24/2017/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường, mục V của Phụ lục 6 về tính toán kết quả khi sử dụng thiết bị đo trực tiếp thì:


Trong đó:



Cstd: nồng độ chất ô nhiễm tại giá trị nồng độ ôxy tham chiếu, mg/Nm3

Cm: nồng độ chất ô nhiễm tại giá trị nồng độ ôxy đo được, mg/Nm3

%O2(std): nồng độ oxy tham chiếu cho phép (theo quy định của pháp luật)

%O2(m): nồng độ oxy đo được tại hiện trường.

Theo công thức này thì hàm lượng (nồng độ) oxy tham chiếu càng nhỏ, giá trị nồng độ chất ô nhiễm thực sẽ càng lớn, tức là càng vượt giới hạn quy định trong QCVN.

Để minh chứng, tôi áp dụng tính thử ví dụ cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn cho phép với nồng độ NOx của lò thiêu kết là 850 mg/Nm3 theo cột B1 của tiêu chuẩn được áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 còn các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới sau khi phát hành tiêu chuẩn thì phải áp dụng cột B2, nồng độ cho phép còn thấp hơn.

Nồng độ oxy thực trong khói thải của lò thiêu kết là 5%.

Hàm lượng NOx đo được thực là 1040,363 mg/Nm3.

Với giá trị nồng độ tham chiếu oxy là 7% ta sẽ tính được hàm lượng NOx là 909,5 mg/Nm3, cao hơn tiêu chuẩn 1,07 lần.

Với nồng độ oxy tham chiếu là 15% thì hàm lượng NOx tính toán được chỉ còn là 386,05 mg/Nm3 thấp hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép.

Formosa là một doanh nghiệp sản xuất thép rất lớn nên lưu lượng khói thải chắc chắn là cao hơn 100.000 m3/giờ. Trong trường hợp đó hệ số lưu lượng nguồn thải Kp sẽ là con số 0,8 tức là yêu cầu khá chặt chẽ. Tuy nhiên, bằng chiêu nâng nồng độ oxy tham chiếu lên gấp đôi, doanh nghiệp có thể xả thải ra bầu khí quyển của chúng ta một cách thoải mái mà không lo bị cảnh sát môi trường làm khó dễ.

Theo tôi hiểu lỗi của Bộ TNMT ngay từ đầu đã không nghiên cứu cẩn thận khi dự thảo QCVN 51:2017. Nhìn chung, thì tiêu chuẩn sau thường chặt hơn tiêu chuẩn trước, nay vì sự thiếu chặt chẽ chuyên môn văn bản mới lại cho thấy tiêu chuẩn sau nới rộng quá lớn như vậy so với tiêu chuẩn trước thì công luận làm sao không thắc mắc và cơ quan ra văn bản lại phải mất công giải trình, giải thích mà vẫn mất uy tín.

Là một cơ sở sản xuất lớn, lượng phát thải của Formosa cũng rất lớn, con số tuyệt đối về phát thải cũng lớn trong một khu vực quan trọng của đất nước. Ở đây, lượng phát thải vượt tiêu chuẩn của Formosa là SOx và NOx. Các phát thải này là có khả năng tạo thành mưa axit trên diện rộng về lâu dài.

Lời kết


Việc thay đổi nồng độ oxy tham chiếu từ 7% lên 15% tạo ra sự thay đổi rất lớn có thể nhanh chóng biến một doanh nghiệp có phát thải gấp 2,5 lần tiêu chuẩn trở thành phát thải dưới quy chuẩn. QCVN 51 mới với hàm lượng oxy tham chiếu cho công nghiệp thép (trừ lò cốc) là 15% đặc biệt là lò thiêu kết, khi đi vào hoạt động chính thức thì có khả năng phát thải nhiều chất độc hại vượt giới hạn quy định cho phép, không chỉ riêng NOx và SOx.

Dư luận đòi hỏi Bộ TNMT lập hội đồng khoa học đánh giá minh bạch tính hợp lý nồng độ oxy tham chiếu trong quy chuẩn quốc gia, tham khảo quy chuẩn của quốc tế nhằm có được phương pháp tính nhất quán phù hợp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và những hậu quả lâu dài cho đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt tải lượng phát thải khi Formosa đi vào hoạt động đủ công suất cũng cần được đánh giá lại một cách khách quan và thực tế nhằm xác định và kiểm soát hữu hiệu những tác động lâu dài đối với môi trường khu vực.


T.V.T.