19 juin 2017

Tham gia “ Tìm hiểu về Thể chế “ của blog Dân Quyền: Tôi đi bầu



Một tháng trước khi bầu cử Tổng thống Pháp, một người bạn hỏi tôi ứng cử viên của đảng Xã hội kêu gọi thành lập những ủy ban dân phố tôi có đến giúp không? Tôi trả lời: chưa biết, nhưng lần này tôi sẽ không bầu theo con tim mà sẽ bầu theo lý trí.  
Bầu theo con tim là bầu cho những người mình có lòng yêu mến, sự yêu mến này có thể được cấu thành bởi quá khứ, cá nhân của ứng cử viên, quá khứ của đảng mà họ được đề cử. 
Bầu theo lý trí là bầu cho một ứng cử viên dựa trên chương trình hành động mà mình nghĩ là đáp ứng được tình thế của nước Pháp trong một giai đoạn nào đó. Dĩ nhiên là hy vọng cá nhân của ứng cử viên đó có khả năng thực hiện lời hứa của họ trước cử tri.


Nước Pháp trước kia được tổ chức theo Chế độ đại nghị. Thủ tướng được bầu bởi những nghị viên được dân chúng chỉ định trực tiếp bằng lá phiếu của mình, ai cũng có quyền ra ứng cử nghị viên và dĩ nhiên các đảng phái chính trị có những ứng cử viên của mình. Thủ tướng có quyền hạn cao nhất để điều hành đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam không cho tự do ứng cử mà phải qua sự lựa chọn của những tổ chức là cánh tay nối dài của đảng vì thế tự do bầu cử không còn ý nghĩa gì.

Chế độ đại nghị ở Pháp không có hiệu quả. Do tình trạng đấu đá liên tục ở Quốc hội, Thủ tướng không đứng vững nổi năm mười tháng, thời gian không đủ để thực hiện những chương trình chiến lược cho một đất nước!  Ở Pháp người ta gọi đây là Đệ tứ Cộng hòa (1946-1958).  
Chế độ đại nghị được thực hành rất có hiệu quả ở nhiều nước Âu châu, cụ thể như Anh, Đức, Ý...nhưng tại sao lại không hiệu quả ở nước Pháp. Trình độ dân trí có ảnh hưởng như thế nào trong việc thực hiện chế độ Đại nghị? 
Một người bạn của tôi là giáo sư đại học đã từng ở Pháp 50 năm hứa sẽ phân tích vấn đề này trong một bài viết cho mục "Tìm hiểu thể chế" để chia sẻ với bạn đọc.

Trước sự thất bại của Đệ tứ Cộng hòa, Thủ tướng De Gaulle (1890-1970) đã đề nghị thay đổi Hiến pháp: nước Pháp áp dụng chế độ Bán Tổng thống và trở thành Đệ ngũ Cộng hòa cho đến nay.

De Gaulle nhận thấy rằng phải có một Tổng thống, do dân bầu trực tiếp mới không bị ràng buộc bởi các cuộc đấu đá chính trị thường xảy ra tại Quốc hội. Vì do dân bầu trực tiếp nên Tổng thống chỉ chịu trách nhiệm trước quốc dân, chứ không phải trước Quốc hội, có thì giờ lo cho tương lai nước Pháp. 
Đệ ngũ Cộng hòa cho Tổng thống rất nhiều quyền như Tổng tư lệnh quân đội, quyền về Ngoại giao, quyền đề nghị Thủ tướng và chỉ có Tổng thống mới được quyền đề nghị Thủ tướng để điều hành đất nước hằng ngày. Tổng thống lại có quyền giải tán Quốc hội.
Nhiệm kỳ của Tổng thống trước kia là 7 năm, không giới hạn số nhiệm kỳ. Ứng cử viên Tổng thống phải được ít nhất là 500 người đề cử. 500 người này là những người được dân trực tiếp bầu lên trong cơ cấu của tổ chức nước Pháp, trong đó có các người đứng đầu các đơn vị hành chánh cấp xã, cấp liên xã (maires,  36681 vị), các đơn vị cấp tỉnh, thành phố...có thể gọi họ là đại cử tri.
Nước Pháp chia ra những đơn vị hành chánh bao gồm nhiều xã, người dân mỗi đơn vị hành chánh này bầu trực tiếp một đại biểu vào Quốc hội. Hiện nay nước Pháp có 577 đơn vị kể cả ở ngoài nước Pháp. Mọi công dân Pháp đều có quyền ứng cử Quốc hội và dĩ nhiên các đảng phái chính trị tha hồ đề cử ứng cử viên của mình.

Quốc hội cũng là một đơn vị do dân bầu trực tiếp nên quyền hạn cũng không kém Tổng thống. Họ có nhiệm vụ làm luật, sửa luật, chất vấn thường trực và giám sát chi tiêu của chính phủ. Nhiệm kỳ dân biểu là 5 năm. Dù Quốc hội không có quyền đề nghị Thủ tướng nhưng Thủ tướng do Tổng thống đề nghị phải được sự chấp thuận của Quốc hội với đa số tương đối dân biểu. Quốc hội có quyền truất phế Thủ tướng.

Khi một Thủ tướng bị Quốc hội truất phế thì Tổng thống đề nghị Thủ tướng khác, nếu không được chấp thuận hoặc bị truất phế lần thứ hai,  thì Tổng thống mới dùng quyển giải tán Quốc hội để bầu lại Quốc hội khác. Tổng thống có thể từ chức nếu Quốc hội mới bầu không như mong đợi của mình, hoặc chấp nhận đề nghị một Thủ tướng thuộc phe đa số ở Quốc hội có đường lối chính trị hoàn toàn khác. Trường hợp này gọi là "chung sống" và đã xảy ra hai lần trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa.
Ngoài Quốc hội, người Pháp không gọi Quốc hội là hạ viện, nước Pháp còn có Thượng viện. Các thượng nghị sĩ này có nhiệm kỳ 7 năm và được các đại cử tri như đã nói trên bầu ra và không có nhiều quyền hạn lắm. Chỉ xin nêu lên ở đây là Chủ tịch Thượng viện có phần quan trọng của nó trong Đệ ngũ Cộng hòa vì là người sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống tạm thời trong trường hợp Tổng thống từ chức hoặc tử vong, hoặc bị Tòa án tối cao kết tội nặng, hoặc vì một lý do nào đó không thể đảm nhiệm được chức vụ. 
Trong trường hợp cần tổ chức bầu cử lại, Tổng thống tạm thời có tối đa là 35 ngày để tổ chức. Sự thay thế tạm thời sẽ chấm dứt khi Tổng thống trở lại làm việc hoặc Tổng thống mới nhậm chức.

Ở Pháp có vài vấn đề liên hệ đến nhiệm kỳ Tổng thống, và sự "chung sống". Tại sao từ nhiệm kỳ 7 năm của Tổng thống lại trở thành 5 năm. Có hai lý do để giải thích. Một trong hai lý do đó là 7 năm quá dài, khi một Tổng thống không đáp ứng đòi hỏi của dân thì chờ 7 năm quá lâu, Tổng thống cũng có thể mỏi mệt nhưng cũng phải cứ chờ đến 7 năm. Lý do thứ hai là không ai muốn tình trạng "chung sống" xảy ra cho nước Pháp và sự "chung sống" này có nhiều khả năng xảy ra khi có sự so le giữa nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội và nhiệm kỳ 7 năm của Tổng thống. Vì thế hiện nay nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp được rút lại còn 5 năm và chỉ được ứng cử hai nhiệm kỳ liên tục mà thôi. 

Ngay sau bầu cử Tổng thống là bầu cử Quốc hội. Người Pháp tin rằng bầu cử như thế, Tổng thống và Quốc hội sẽ ăn ý nhau, Tổng thống sẽ dễ dàng thực hiện chương trình của mình. Cụ thể đã xảy ra như thế từ khi thu ngắn nhiệm kỳ Tổng thống. Thủ tướng là người của Tổng thống, làm theo sự chỉ đạo và thực hiện chương trình của Tổng thống.

Dù là thể chế Đại nghị, hay thể chế Bán Tổng thống, vai trò của người dân Pháp lúc nào cũng hiện diện trong việc quyết định những người quản trị đất nước. 
Mà toàn dân quyết định, quyết định tự do, chứ không phải một đảng quyết định như ở Việt Nam.

Vấn đề của nước Pháp là cho đến nay nạn thất nghiệp gia tăng đến 10%. Với chính sách xã hội hơn "xã hội chủ nghĩa" gấp nhiều lần, ngân sách ngày càng thâm thủng, phải cắt xén khắp nơi. Sẽ quá dài để phân tích nạn thất nghiệp ở Pháp, tuy nhiên nó có một số nguyên nhân: 
1- Hậu quả của toàn cầu hóa mà nước Pháp không thích ứng, giới tài phiệt chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân nên đã kéo nước Pháp đi xuống.  
2- Khác với nước Đức, ở Pháp tư tưởng đấu tranh giai cấp quá nặng giữa nghiệp đoàn Chủ nhân và nghiệp đoàn công nhân, ai cũng muốn giành phần lớn lợi tức về mình mà không biết phân chia khi cần thiết, do đó đình công liên tục làm ngưng trệ nhiều mặt.  
3- Về chính trị, phân chia tả hữu quá rạch ròi, phe phái không thể bắt tay nhau để cùng ủng hộ những ý kiến có lợi cho đất nước mà chỉ nhằm mục đích có lợi cho  phái mình.  
4- Luật lệ quá phức tạp, không khuyến khích tạo ra công việc. Khi luật lao động đề nghị mở ra thông thoáng thì nghiệp đoàn công nhân chống đối mãnh liệt, nghị sĩ Quốc hội tát nước theo mưa chỉ nhằm mục đích triệt hạ chính phủ.  
5- Mâu thuẫn của người Pháp về lợi ích cá nhân và lợi ích đất nước. Một thí dụ để thấy sự mâu thuẫn này là đa số họ đòi cho phép các cơ sở thương mại mở cửa Chủ nhật, nhưng khi hỏi một cá nhân có muốn đi làm Chủ nhật không thì đa số trả lời không!

Trong Chế độ dân chủ tự do, ngoài khả năng còn "có số".

Phải nói con người có số. Tổng thống Pháp Macron vừa được bầu, ngoài tài giỏi cá nhân, quả là con người có số làm Tổng thống. 
Ông đang làm việc cho một ngân hàng với số lương trên 30000 euros một tháng thì được Tổng thống Hollande ( đảng Xã hội) mời vào làm chức Phó tổng thư ký điện Elysée, một chức vị quan trọng nhưng làm việc trong bóng tối sau lưng Tổng thống với số lương 9000 euros một tháng. Và ông đã nhận lời.  
Trước khi nói sâu hơn về "cái số" của ông, tưởng phải nhắc lại hoạt động chính trị trong Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. 

Môi trường chính trị được phân chia ra nhiều loại: cực tả, tả, trung hòa, hữu, cực hữu. Các đảng này cạnh tranh không thương tiếc để hạ đối phương và lấy phiếu cử tri. Bên cạnh đó các nghiệp đoàn chủ, thợ sẵn sàng làm áp lực để giành tư lợi cho mình.  
Các nghiệp đoàn này cũng được chia ra thành tả hữu. Trong số đó có một công đoàn gọi tắt là CGT trước kia là cánh tay nối dài của đảng cộng sản Pháp. Trước kia, vào những năm 60, Tổng thư ký công đoàn CGT luôn là một nhân vật trong Bộ chính trị của đảng cộng sản Pháp. Lúc đó đảng cộng sản là một đảng lớn, chiếm trên 20% phiếu cử tri. Ngày nay, sau khi khối Đông âu sụp đổ, đảng này chỉ còn lại 2,5%. 
CGT không còn dính líu đến đảng cộng sản. Tuy nhiên thói quen đấu tranh giai cấp còn rất mạnh trong nghiệp đoàn này, và phần lớn các cuộc đình công là do CGT chủ trì, hoặc đồng chủ trì. 

Hai đảng chính trị chi phối mạnh chính trường là:
 - Đảng Xã hội (PS, Partie Socialiste) thuộc phái tả.
 - Đảng thuộc phái hữu,  đảng này đổi tên không biết bao nhiêu lần mỗi khi mất chinh quyền, tên cuối cùng là "Những người cộng hòa" , LR. (Les Républicains). Hai đảng này chia nhau cai trị nước Pháp từ hơn 30 năm nay. 
Ứng cử viên Tổng thống của hai đảng này không nhất thiết là Chủ tịch đảng, tuy nhiên, khi được chỉ định ra ứng cử Tổng thống thì người này đặt người thân tín của mình trong guồng máy lãnh đạo đảng. Ứng cử viên này nếu là lãnh đạo đảng thì họ liền từ chức chủ tịch đảng để thể hiện ứng cử viên là người của toàn dân.

"Cái số" thứ nhất của Tổng thống Macron là cử tri đảng LR đề cử ông Fillon (cựu Thủ tướng) sau khi ông này đánh bại cả 11 ứng cử viên qua tranh cử nội bộ, trong đó có cựu Tổng thống Sarkozy đồng thời là Chủ tịch đảng LR  và ông Juppé (cũng một cựu Thủ tướng). Người ta gọi kết quả cuộc bầu nội bộ trong đảng này là ngựa về ngược.  
Ông Juppé tuy thuộc cánh hữu nhưng là người ôn hòa. Nếu ông ra được thì ai cũng biết chính ông Juppé sẽ đắc cử Tổng thống chứ không phải ông Macron.
Một chính khách quan trọng của phe Trung hòa là đương kim Bộ trưởng tư pháp, ông Bayrou, người chủ trương cộng tác tả hữu nhưng thất bại liên tiếp từ mấy chục năm nay. Ông Bayrou ủng hộ ông Juppé, nhưng khi thấy Juppé thất cử thì đến gặp ông Macron và nói rằng "tôi đã thất bại trong chủ trương hợp tác tả hữu, nếu ông quyết đi con đường đó thì tôi sẽ ủng hộ ông" và nhờ sự ủng hộ này mà uy tín của ứng cử viên Macron lên như diều do có hơi hướng hợp tác tả hữu.

"Cái số" thứ hai của Tổng thống Macron là ông Fillon chủ trương quá cứng rắn, bắt dân chúng thắt lưng buộc bụng thêm nữa. Báo chí khui ra rằng ông Fillon đã lợi dụng của công cho cá nhân. 
Số là khi làm đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu được một ngân sách để mướn nhân viên phụ tá. Luật không cấm những người phụ tá là người trong gia đình của đại biểu, nhưng phải là người làm việc thật sự cho đại biểu. Nhiều đại biểu đã dùng số tiền này mướn người phụ tá làm việc cho... đảng của họ chứ không phải cho chính họ. Đó là gian lận phải bị ra tòa. Ông Juppé từng bị kêu án 2 năm mất quyền công dân vì việc này, ông Sarkozy đang bị truy cứu cũng trong vụ việc đó.   
Riêng ông Fillon thì khai vợ và con làm phụ tá, nhưng trớ trêu là không có bằng chứng làm việc thật thụ, Bà Fillon cũng từng tuyên bố công khai là chưa bao giờ làm việc cho ông Fillon mà chỉ lo nội trợ. Ông Fillon bỏ túi số tiền đó, ông bị pháp luật truy tố khai gian, lạm dụng công quỹ, vợ ông còn thêm tội đưa chứng cứ giả. Mặt khác, khi ra ứng cử nội bộ, ông Fillon (để bôi nhọ đối thủ Sarkozy và Juppé) hùng hồn tuyên bố nếu bị truy tố ông sẽ từ chức ngay. Tuy nhiên khi bị truy tố ông nuốt lời hứa để tiếp tục ứng cử vì biết rằng nếu được bầu, Tư pháp không có quyền truy tố Tổng thống trong thời gian tại vị. Nhiều người lãnh đạo trong đảng LR đả bỏ rơi ông, hoặc ủng hộ miễn cưỡng. Fillon thất cử chủ yếu là như thế. 
Phải nói rằng tham nhũng của ông Fillon không bằng cái móng tay so với quan chức Việt Nam. Nhưng tham nhũng là tham nhũng, ngành tư pháp trừng trị theo luật định chứ không do đảng nào chỉ "cảnh cáo" như ở Việt Nam.

"Cái số" thứ ba của Tổng thống Macron là đương kim Tổng thống Hollande quyết định không ra ứng cử vì biết chắc mình sẽ bị đánh bại . Ông Hollande từng tuyên bố sẽ không ra ứng cử tái nhiệm nếu ông không thành công trong việc giảm số người thất nghiệp đáng kể. Người ta có thể kính trọng Hollande là người đã biết giữ lời hứa trước quốc dân, tuy thất nghiệp dù có giảm nhưng không nhiều, mà thất nghiệp là ưu tư hàng đầu của cử tri. 
Chưa có Tổng thống Pháp nào tái đắc cử do kết quả nhiệm kỳ của mình, thất cử thì có, nhưng để tái đắc cử thì kết quả nhiệm kỳ không đủ. Còn tùy thưộc vào việc có gây nên được một biến cố làm người dân mong đợi, hồ hởi.  
Nếu ông Hollande quyết định tái ứng cử thì ít nhiều ông sẽ giành số phiếu đáng lẽ dành cho ông Marcron, khi đó Marcron sẽ bị loại, không đủ phiếu để vào được vòng hai. Từ trước đến nay chưa có ứng cử viên Tổng thống Pháp nào, trừ De Gaulle, chiếm được số phiếu từ 30 đến 35% ở vòng một do có quá nhiều ứng cử viên Tổng thống. Kỳ này hai ứng cử viên dẫn đầu chỉ đạt được 24% và 22% trong số 11 ứng cử viên. Vì thế số phiều ở vòng một sẽ có tính chất quyết định cho vòng hai.

"Cái số" thứ tư của Tổng thống Macron là đảng Xã hội chia rẽ trầm trọng. Cánh hữu và cánh tả trong đảng Xã hội không đồng ý với nhau công khai, đánh nhau chí tử. Chưa bao giờ mà một số đại biểu đòi đưa ra nghị quyết ở Quốc hội để truất phế Thủ tướng phe mình. Cánh tả trong đảng xã hội chiếm đa số , đã chỉ định ứng cử viên Tổng thống qua kỳ bầu cử nội bộ là ông Hamon. Ông này tuy giỏi, trong sạch, thiên nhiều về xã hội, nhưng không tạo được hào quang cho một chức vị tổng thống. Một số lớn cử tri đảng Xã hội không bầu cho ứng cử viên của đảng. Một số lãnh đạo đảng lại tuyên bố ủng hộ ông Macron vì không muốn lựa chọn ứng cử viên đảng mình. Đảng Xã hội rơi xuống vực thẳm, ông Hamon chỉ đạt được khoảng 9% số phiếu.  
Vì thế ông Macron được vào vòng hai với trên 24% phiếu bầu, đứng trước đối thủ của mình 2%.

"Cái số" thứ năm của Tổng thống Macron là vào vòng hai với ứng cử viên một đảng cực hữu, Bà Le Pen. Đảng của bà có tên là "Mặt trận Quốc gia" (Front Nationnal). Đảng này tuy có phát triển đủ sức để vào vòng hai vì với đường lối dân túy đã lôi kéo được nhiều cử tri đã chán ghét các đảng cầm quyền vì không đáp ứng nhu cầu của họ. 
Trong khó khăn, một số người Pháp trở nên ích kỷ, muốn đuổi những ai không phải là người Pháp chỉ vì họ nghĩ rằng những người này chiếm trợ cấp, chiếm công ăn việc làm của họ. 
Nhưng đa số dân Pháp không ai quên đây là một đảng kỳ thị chủng tộc, ủng hộ một Hitler thối tha, đảng viên đảng này quá khích, côn đồ, từng gây ra một số án mạng có tính kỳ thị chủng tộc. Vì thế vào vòng hai với đảng này xem như nắm phần thắng trong tay.  
Trong quá khứ  " Mặt trận quốc gia " đã vào vòng hai với ông Le Pen bố, chống ông Chirac, nhưng đa số dân chúng rủ nhau đi bầu không để cho Le Pen thắng. Kết quả là ông Chirac được bầu với tỷ lệ 85% (chưa có tổng thống nào được bầu với tỷ lệ đó, thường thì với tỷ lệ 51%, từ 52 đến 56% được xem là thành công rực rỡ). Lần này đứng trước Bà Le Pen, Tổng thống Macron được bầu với tỷ số trên 66%.

Tôi đã bầu ai?

Người bạn tôi hỏi lần này anh bầu cho ai. Thường người Pháp ít khi nói mình bầu cho ai và xem đây là một việc riêng cá nhân.  Tôi đã trả lời với bạn rằng lần này tôi không chọn bầu theo cảm tính cá nhân mà sẽ bầu theo lý trí.
Lý trí bảo cho tôi rằng phải dẹp bỏ sự phân chia tả hữu có tính chất bè phái. Những người biết đặt lợi ích đất nước trên lợi ích phe phái phải bắt tay nhau xây dựng đất nước. Góp phần loại bỏ sự phân cực trong từng con người. Tạo sự bao dung trong toàn xã hội.  
Lý trí cũng bảo cho tôi biết rằng ở trong một chế độ tư bản mọi người đều tự do, mọi người đều cần nhau. Không có chủ thì không có thợ, không có thợ thì một mình chủ không tăng được sản xuất, lợi nhuận. Chủ nghĩa cộng sản nói về một chế độ không có người bóc lột người là nói dối với mọi người. 
Phải để cho những người có tài năng hưởng tài năng của mình, phải để cho những người kém tài năng có được một cuộc sống xứng đáng với con người. 
Chính phủ có bổn phận hài hòa xã hội. Chính vì thất bại liên tiếp trong việc hài hòa xã hội của các chính phủ từ hữu đến tả, đã tạo nên một xã hội bất ổn, một số cử tri trở nên quá khích, dân túy dễ lên ngôi.  
Về mặt thất nghiệp, phải tháo ràng buộc cho chủ thì chủ mới có thể tạo công ăn việc làm cho thợ. Phải loại bỏ lòng tham của mọi người, chủ, thợ, lòng tham đưa đến tranh giành, đến đấu tranh giai cấp làm xã hội luôn bất ổn. 

Tôi đã bầu cho Tổng thống đắc cử. Hy vọng mong muốn của Tổng thống sẽ được thực hiện thành công dù còn rất nhiều chông gai. Nhiệm kỳ 5 năm là quá ít, phải bắt đầu ngay để có được một số kết quả trong vòng hai năm, nếu không sẽ quá muộn.  
Khi tôi chấm dứt bài này là lúc kết quả bầu cử Quốc hội vòng hai được thông báo: Dân chúng đã cho Tổng thống Macron tuyệt đại đa số đại biểu ở Quốc hội như đã được dự đoán. Đa số đại biểu này là những người trẻ, phần lớn chưa tham gia chính trị, ít người được biết đến, 40% là phụ nữ. Họ sẽ thay đổi toàn diện không khí chính trị ở Pháp trong tương lai. Tổng thống Macron không còn trở ngại gì để thực hiện chính sách của mình, nhưng phải làm nhanh.

Nguyễn Trung Chính 
Paris, tháng 6/2017