16 juin 2017

Vận hành nhất thể hóa theo mô hình đại nghị


27/05/2017 08:48 - Nguyễn Sĩ Dũng


Nhất thể hóa là việc Đảng hóa thân vào Nhà nước, chứ không phải việc Đảng kiêm nhiệm các chức danh của Nhà nước
Mô hình đại nghị ở Anh, còn được gọi là mô hình Westminster - Thuật ngữ này xuất phát từ Cung điện Westminster, nơi đặt Nghị viện Anh. Nguồn ảnh: Freephoto.com



Nhất thể hóa là việc Đảng hóa thân vào Nhà nước, chứ không phải việc Đảng kiêm nhiệm các chức danh của Nhà nước. Thời gian vừa qua, tranh luận chủ yếu xoay quanh việc bí thư nên kiêm chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) hay chức chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND). Trên thực tế, ở những cấp chính quyền thấp hơn thì bí thư thường kiêm chức chủ tịch UBND, còn ở những cấp cao hơn thì bí thư thường kiêm chức chủ tịch HĐND. Tuy nhiên, kiêm chức gì thì vẫn chỉ là kiêm nhiệm, chứ không phải là hóa thân. Sự kiêm nhiệm chỉ làm cho công việc của những người nắm giữ cương vị chủ chốt tăng lên gấp đôi, mà mọi quy trình công việc thì vẫn không hề thay đổi. Việc kiêm nhiệm vì vậy ít bổ sung giá trị gia tăng cho quy trình quản trị địa phương. Ngược lại, sự quá tải còn có thể làm giảm chất lượng của quy trình này.

Thật ra, ngoại trừ mô hình xô-viết, trong tất cả các mô hình thể chế khác, bao gồm cả mô hình đại nghị và mô hình tổng thống lưỡng tính mà chúng ta nên xem xét để lựa chọn, ban lãnh đạo của đảng cầm quyền bao giờ cũng đều hóa thân vào nhà nước.

Nếu chúng ta lựa chọn mô hình đại nghị để nhất thể hóa thì sự hóa thân của Đảng có thể được tiến hành đại loại như như sau.

Trước hết, Đại hội Đảng được tổ chức để làm ba việc: 1. Thông qua chương trình hành động của Đảng cho năm năm tới; 2. Bầu người đứng đầu Đảng; 3. Bầu các ứng cử viên của Đảng tham gia tranh cử vào Quốc hội. Đối với các nước có đa đảng thì chương trình hành động của đảng có thể được gọi luôn là chương trình tranh cử của đảng. Đối với những nước chỉ có một đảng như nước ta, chương trình này nên gọi là chương trình vận động bầu cử sẽ chính xác hơn. Kiểu gì thì cũng phải vận động cử tri bầu cho các ứng cử viên của Đảng trên cơ sở những định hướng chính sách được đưa ra trong chương trình. Người đứng đầu Đảng cũng chính là người lãnh đạo và dẫn dắt chiến dịch vận động bầu cử của Đảng. Nếu cử tri bầu cho các ứng cử viên của Đảng chiếm đa số trong Quốc hội, thì điều này cũng có nghĩa là cử tri đã phê chuẩn chương trình hành động của Đảng và trao quyền thành lập chính phủ cho Đảng (để triển khai thực hiện chương trình hành động đã được phê chuẩn).

Sau bầu cử, những ứng cử viên trúng cử sẽ hợp thành ban lãnh đạo của Đảng. (Những ứng cử viên không trúng cử thì vẫn chỉ là những đảng viên thường). Ban lãnh đạo này ở các nước được gọi là đảng đoàn (party caucus). Ở ta có lẽ cũng có thể gọi là đảng đoàn. Tuy nhiên, đảng đoàn phải bao gồm tất cả những đảng viên đã trúng cử chứ không chỉ là mười mấy người trong Ủy ban thường vụ Quốc hội như hiện nay. Đảng đoàn chính là cơ quan thực hiện chức năng quyết định chính sách của Ban Chấp hành Trung ương hiện nay.

Đảng đoàn đến lượt mình lại bầu chọn ra nhân sự cho nội các và các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… Nội các sẽ do người đứng đầu Đảng làm Thủ tướng. Nội các chính là cơ quan thực hiện chức năng hoạch định chính sách của Bộ Chính trị hiện nay. Nếu hiện nay Bộ Chính trị dự thảo các chính sách trình ra Ban Chấp hành Trung ương, thì khi nhất thể hóa, nội các sẽ dự thảo chính sách trình ra đảng đoàn.

Với cách thiết kế như vậy, ở cấp trung ương, Đảng đã hoàn toàn hóa thân vào Nhà nước. Tất cả quy trình chính sách diễn ra trong Đảng, cũng chính là diễn ra trong Nhà nước. Một nửa thời gian, công sức của quy trình ban hành chính sách đã được cắt giảm. Cụ thể, quy trình chính sách chỉ còn như sau: nội các dự thảo chính sách trình ra đảng đoàn. Đảng đoàn phê chuẩn chính sách thì nội các trình ra Quốc hội. Mọi chính sách đã được đảng đoàn phê chuẩn chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua, vì đảng đoàn luôn luôn có đa số áp đảo trong Quốc hội.

Với cách nhất thể hóa như vậy, các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước sẽ không còn phải làm một việc lặp đi, lặp lại ở ba bốn nơi như hiện nay. Đồng thời nguyên tắc tập trung dân chủ cũng dễ được bảo đảm hơn. Bởi vì rằng, rủi ro của việc Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua chính sách, mà các đảng viên ở trong Quốc hội vẫn chưa được bàn bạc, thảo luận sẽ được loại trừ. Ngoài ra, tính chính danh của toàn bộ quy trình sẽ được bảo đảm 100%.

Điều có thể khiến nhiều người băn khoăn ở đây là: với cách nhất thể hóa như trên, quyền lực của Đảng sẽ trở nên quá lớn. Quả đúng là như vậy. Trong mô hình đại nghị, nếu đảng cầm quyền có đa số áp đảo trong quốc hội, thì quyền lực của đảng sẽ rất lớn. Phe đối lập vẫn có thể tranh luận, phản biện các dự thảo chính sách của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, nếu đảng cầm quyền kiên quyết giữ quan điểm của mình, mọi quyết định của đảng đều sẽ được thông qua thành chính sách, pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, ở đời “nói phải củ cải cũng nghe”, nếu phe đối lập giỏi tranh luận, giỏi phản biện, nhiều dự thảo chính sách chắc chắn sẽ được đảng cầm quyền chỉnh sửa. Nước ta không có phe đối lập, nhưng các vị đại biểu ngoài đảng có thể đảm nhận vai trò phản biện nói trên. Vấn đề là chúng ta cần bảo đảm một tỷ lệ thích hợp các đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng. Đồng thời, quan trọng hơn là phải vận động những người ngoài đảng tài giỏi, liêm chính ứng cử vào Quốc hội.
***
Trên đây là những nét sơ lược nhất của việc vận hành nhất thể hóa theo mô hình đại nghị. Tất nhiên, nếu mô hình này được lựa chọn, một loạt các vấn đề có liên quan khác cũng sẽ cần được xử lý. Đó là những vấn đề như công tác đảng vụ sẽ được duy trì như thế nào? Vai trò của các đảng viên không được lựa chọn để hóa thân vào nhà nước sẽ là gì? Mối quan hệ giữa các đảng viên đã hóa thân vào nhà nước với các đảng viên khác của Đảng sẽ như thế nào?… Đây quả thật là những vấn đề mang tính kỹ thuật và kinh nghiệm của thế giới cũng đã có rất nhiều để chúng ta tham khảo. Tuy nhiên, chúng là những nội dung mà một bài viết ngắn khó có thể đề cập hết được. Điều cuối cùng, cần được nhấn mạnh là: việc nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước theo mô hình đại nghị hoàn toàn có thể triển khai được trong khuôn khổ của Hiến pháp năm 2013.

Nguồn: Theo Tia Sáng